Nhiều thuận lợi cho khu công nghiệp
Là một trong những loại hình bất động sản không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự sụt giảm của thị trường, bất động sản khu công nghiệp đang ghi nhận nhiều tiềm năng đầu tư, phát triển trong tương lai, đặc biệt là với thị trường phía Nam.
Đặc biệt tại Hậu Giang, với định hướng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics, trong giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh này định hướng quy hoạch phát triển 7 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 1.741 ha, cùng với đó là các trung tâm đô thị tập trung tại các huyện: Châu Thành, Châu Thành A và Phụng Hiệp.
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung của tỉnh Hậu Giang được quy hoạch xây dựng tiếp giáp với TP Cần Thơ để tận dụng đường hàng không và các trục giao thông lớn như QL Nam sông Hậu, QL1, QL61C… thuận lợi về giao thông đường bộ.
Về đường thủy, quy hoạch sẽ tiếp giáp với sông Hậu, sông Ba Láng, kênh xáng Xà No, liền kề hệ thống Cảng biển quốc tế Cái Cui (Cần Thơ), Cảng VIMC Hậu Giang (trong Khu công nghiệp Sông Hậu), có thể tiếp nhận tàu 10.000 – 20.000 tấn, thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Và gần đây nhất, vào đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ tổ chức Lễ khởi công Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang (thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025), với tổng chiều dài tuyến khoảng 37,65 km. Vào tháng 6 vừa qua, tuyến cao tốc An Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng đã được khởi công xây dựng và tiếp đó là dự án cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu cũng được triển khai đầu tư theo quy hoạch.
Khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, Hậu Giang sẽ nằm ngay vị trí giao cắt giữa các tuyến đường cao tốc, đóng vai trò là trung tâm kết nối trục dọc và trục ngang của các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, các dự án cao tốc đi qua địa phương sẽ tạo dư địa để tỉnh mở rộng không gian phát triển.
Bên cạnh vị trí thuận lợi, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh Hậu Giang nằm trên vùng nguyên liệu nông sản, thủy – hải sản phong phú, đa dạng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (lúa, cây ăn trái như khóm, xoài, bưởi, mít, chuối; tôm, cá tra, cá thát lát…). Đây là lợi thế lớn để thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến.
Đặc biệt, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Hậu Giang đều nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nên được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định.
Trong thời điểm hiện tại, Hậu Giang đang có 2 khu công nghiệp với diện tích khoảng 492 ha, thu hút 77 dự án đầu tư (có 54 dự án đã đi vào hoạt động), đạt tỷ lệ lấp đầy trên 93,32%. Trong đó, khu công nghiệp Sông Hậu – giai đoạn 1, có diện tích 291 ha, đã lấp đầy 100%; khu công nghiệp Tân Phú Thạnh – giai đoạn 1, diện tích 201 ha, đã lấp đầy 86%.
Trong tháng 7/2023, tỉnh này sẽ phê duyệt các đồ án quy hoạch và đến tháng 5/2024 sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Đông Phú 2 (120ha), Sông Hậu 2 (380ha). 2 khu công nghiệp này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tại Công văn số 329/TTg-CN ngày 28/4/2023.
Tiềm năng thu hút đầu tư
Bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam vốn có mối quan hệ rất chặt chẽ với tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu lượng vốn FDI chảy vào nhiều, nhu cầu bất động sản khu công nghiệp chắc chắn sẽ tăng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/5/2023, có 962 dự án vốn FDI đăng ký cấp mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 5,26 tỉ đô la Mỹ, tăng 66,4% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27,8% về số vốn đăng ký. Từ đó cho thấy, bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn đang là một thị trường màu mỡ còn nhiều dư địa phát triển. Tại một số địa phương, phân khúc này còn thiếu nguồn cung trầm trọng do có nhiều dự án FDI lớn đang nhắm đến.
Vì vậy để sớm bắt kịp được nhu cầu của thị trường và tận dụng khả năng phát triển bất động sản khu công nghiệp, đòi hỏi Hậu Giang cần tập trung nguồn lực tạo quỹ đất sạch, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, tạo ưu thế cạnh tranh và đón bắt hướng dịch chuyển đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long.
Được biết, để rộng đường đón các nhà đầu tư phát triển bất động sản khu công nghiệp, từ cuối năm 2022, UBND tỉnh Hậu Giang đã có Quyết định số 1748/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài các tiêu chí về vốn, đóng góp ngân sách, Hậu Giang đã đưa ra tiêu chí “xanh” đó là dự án đầu tư có phương án quản lý, bảo vệ môi trường khả thi và thân thiện môi trường. Ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, sử dụng lao động có tay nghề cao, ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương. Đây cũng là một điểm mới trong việc mời gọi nhà đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp.
Nhà đầu tư đạt được các tiêu chí trên và phù hợp ngành nghề thu hút đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì được cơ quan đăng ký đầu tư xem xét thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, đối với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, vốn sở hữu của nhà đầu tư đảm bảo tối thiểu từ 15% tổng mức đầu tư dự án.
Về kinh nghiệm, nhà đầu tư đã triển khai ít nhất một dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tương đương tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và TP HCM và đã lấp đầy 60% trở lên. Có khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp (phù hợp quy hoạch, ngành nghề), đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).