– Không bắn!
Trả lời xong, tôi báo cáo sự việc với Huyện đội phó Lê Hữu Tòng.
Thấu hiểu hoàn cảnh của đối phương, qua loa, Lê Hữu Tòng nhắn nhủ:
– Hỡi anh em binh sĩ Sài Gòn, nếu các bạn muốn lấy nước thì báo cho Quân giải phóng biết, nếu không các bạn vấp phải mìn chết bỏ vợ, bỏ con!
Phía bên kia dùng loa đáp lại:
– Chúng tôi muốn lấy nước, mong các anh chỉ giúp!
Qua loa, chiến sĩ trinh sát C1 của Huyện đội Hương Thủy Nguyễn Văn Nga nhận ra giọng nói của anh trai mình và dùng loa hỏi lại:
– Ở bên đó có anh Nguyễn Văn Phú không, em là Nga đây!.
Im lặng, ngập ngừng. Cuối cùng, lời hỏi của Nga đã được hồi đáp:
– Có Phú!
Theo Trinh sát Huyện đội Hà Ngọc Chuyên, Nguyễn Văn Nga quê ở xã Hưng Lộc (nay là xã Lộc Bổn, Phú Lộc), thoát ly tham gia cách mạng năm 1969, lúc đầu ở Đại đội hành lang sau nhập vào C1 làm trinh sát. Một hôm về Nong thu mua gạo, Nga ghé nhà thăm mẹ. Mẹ anh báo cho Nga biết “Anh mi là lính 54 đang đóng ở Mỏ Tàu”.
Nghe chuyện, Huyện đội trưởng Võ Nguyên Quảng lệnh cho Huyện đội phó Lê Hữu Tòng “cho điều thằng Nga đến ngay và gặp thằng Phú cho bằng được”.
Lúc này, Nguyễn Văn Phú là Thượng sĩ, Xử lý thường vụ Đại đội 3 Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 54, Sư đoàn I Bộ binh Quân đội Sài Gòn.
Qua loa, hai anh em ruột: Nguyễn Văn Phú – Nguyễn Văn Nga nói chuyện với nhau và Nga đề nghị hai anh em gặp mặt trực tiếp.
Phía binh sĩ Sài Gòn chấp thuận.
Theo đó, mỗi bên cử 3 người, không mang theo vũ khí. Nơi gặp là suối mà Quân giải phóng đã chỉ cho binh sĩ Sài Gòn xuống lấy nước.
Sáng đó, ông Võ Nguyên Quảng, Lê Hữu Tòng và Nguyễn Văn Nga tìm đến điểm hẹn
Ám hiệu được hai bên thỏa thuận là “Hòa hợp, hòa giải dân tộc, thương yêu nhau”!
Bên con suối không tên, lần đầu tiên trong đời ông Võ Nguyên Quảng nhận chân được cái giá của Hạnh phúc mà Hiệp định Paris mang lại. Nó diễn ra trước mắt ông. Hai phía, hai sắc phục, hai anh em ruột thịt sau nhiều năm xa cách, lần đầu đối diện đã ôm nhau mừng rỡ đến phát khóc!
Trước khi chia tay, Huyện đội trưởng Võ Nguyên Quảng đề xuất làm nhà Hòa hợp để hai bên gặp nhau và phía Quân đội Sài Gòn đồng tình.
Sau khi thống nhất địa điểm xây dựng, sáng hôm sau mỗi bên cử 10 người.
Phía Quân giải phóng do Lê Bá Sơn dẫn đầu đã cùng 10 binh sĩ của Quân đội Sài Gòn vào rừng đẵn cây và bứt lá mây về lợp mái.
Cùng lao động, chuyện trò, họ cởi mở tấm lòng và gặp nhau ở một điểm chung đó là tình tự và truyền thống dân tộc, của “gà cùng một mẹ” và khuyên nhủ cố tránh việc “bôi mặt đá nhau”.
Trên bãi đất rộng nằm ven con suối không tên – nơi lần đầu tiếp xúc, ngôi nhà Hòa hợp đã được binh sĩ hai bên chung tay dựng lên.
Sau 3 ngày lao động, ngôi nhà hoàn thành như mong đợi.
Trước khi chia tay, Lê Hữu Tòng trao đổi:
– Sắp đến ngày sinh nhật Bác Hồ chúng tôi định tổ chức bữa cơm, định mời các anh cùng dự.
Thượng sĩ Nguyễn Văn Phú hứng khởi:
– Hay quá, các anh cho chúng tôi đóng góp với!
– Các anh đóng góp bằng cách nào?
– Về chợ Đông Ba mua. Mời các anh cùng đi.
Tòng nói vui:
– Tôi sẵn sàng đi nhưng lỡ các ông đem tôi giao nộp cho Cảnh sát thì sao?
– Thì chúng tôi giao cho các ông 5 binh sĩ để làm con tin.
Biết Phú thật lòng nên Lê Hữu Tòng nói lại:
– Thủ trưởng Nghĩa của tôi (bí danh ông Võ Nguyên Quảng) dặn dò rằng “bữa cơm Hòa hợp này chúng tôi lo và ủy quyền cho tôi mời các ông tham dự”.
Trong ngôi nhà Hòa hợp, lần đầu tiên hơn một tiểu đội binh lính Sài Gòn nhìn thấy chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía bên cạnh có cắm mấy nhánh bông hoa rừng và treo cờ Mặt trận.
Trong khi các chị nấu cơm và chế biến thực phẩm (chủ yếu là thịt hộp và rau rừng) thì trong ngôi nhà Hòa hợp đầy ắp tiếng nói, tiếng cười. Giọng nói, tiếng hát của ba miền: Trung – Nam – Bắc đan xen làm cho thời gian qua mau.
Tại bữa cơm này, thay mặt Quân giải phóng, ông Võ Nguyên Quảng gửi lời chào anh em binh sĩ Sài Gòn và tranh thủ trình bày tóm tắt nội dung Hiệp định Paris, nhấn mạnh chủ trương của Mặt trận dân tộc giải phóng về Hòa giải, Hòa hợp dân tộc; đồng thời kêu gọi anh em binh sĩ Sài Gòn đâu ở yên đó, không nên xâm lấn dẫn đến cảnh “nồi da xáo thịt”.
Phía anh em binh sĩ Sài Gòn chủ yếu ngồi nghe và họ hứa sẽ không làm hại Quân giải phóng.
Theo Huyện đội phó Lê Hữu Tòng, sau bữa cơm này chừng mươi ngày, Đại đội này đã bị thuyên chuyển đến nơi khác.
– Chúng tôi biết chắc chắn, vì theo y ước, trước khi rút họ sẽ có 3 loạt tiểu liên bắn chỉ thiên về hướng chúng tôi.
Trong gần hai tháng sống trong hòa bình, dù mong manh và ngắn ngủi nhưng đây là khoảng thời gian quý giá đối với binh sĩ từ hai phía. Nhờ ngưng tiếng súng nên máu đã bớt đổ trên đất Mẹ, vợ không mất chồng, con không mất cha để hy vọng vào ngày đoàn tụ khi nước nhà thống nhất.
Bài học quá khứ, do vậy luôn có ý nghĩa.
|
“Công tác binh vận trong năm 1973 rất được chú trọng. Bằng sự thông minh, khôn khéo, cán bộ, Nhân dân Hương Thủy đã vận động và lôi kéo được đông đảo binh lính địch đứng về phía cách mạng. Ngày 19/5/1973, lực lượng vũ trang Hương Thủy do đồng chí Võ Nguyên Quảng (Huyện đội trưởng) và đồng chí Lê Hữu Tòng (Huyện đội phó) đã vận động 1 Đại đội thuộc E 54 Bộ binh địch đóng tại căn cứ Mỏ Tàu cùng tổ chức bữa cơm hòa hợp tại sân bay dã chiến “ Cưa” – Trích trang 120 cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Dương Hòa, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.
|