Sáng 5/4, tại Thủ đô Vientiane, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên họp hẹp và Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4.
Ủy hội sông Mekong quốc tế là tổ chức có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác, điều phối trong phát triển vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong lưu vực sông Mekong.
Nhìn lại chặng đường gần 30 năm hình thành, phát triển và 13 năm kể từ Hội nghị Cấp cao đầu tiên, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã khẳng định được vai trò, thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức lưu vực sông quốc tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong 1995.
Uỷ hội đã thông qua và triển khai thực hiện các Chiến lược và Kế hoạch phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; hoàn thiện Bộ Quy chế sử dụng nước, khuôn khổ pháp lý quan trọng của Uỷ hội.
Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các tác động của các dự án thủy điện dòng chính do Uỷ hội thực hiện là căn cứ khoa học quan trọng cho việc ra quyết định liên quan đến các hoạt động phát triển Lưu vực của các nước ven sông.
Cùng với đó, quan hệ hợp tác của Uỷ hội với các Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển và các cơ chế hợp tác vùng, nhất là trong chia sẻ dữ liệu và thông tin, không ngừng được củng cố và phát triển.
Các thành tựu trên đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện cuộc sống của gần 70 triệu người dân trong Lưu vực; đồng thời, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết và quan hệ hợp tác mật thiết giữa các nước ven sông.
Trong bối cảnh Lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức rất lớn, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị một lần nữa khẳng định Việt Nam luôn đề cao vai trò của Ủy hội và cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên để triển khai thành công các chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động của Ủy hội, vì mục tiêu xây dựng Lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN.
Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia vào các hoạt động của Ủy hội một cách chủ động, tích cực và xây dựng nhằm góp phần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Hiệp định Mekong năm 1995, phát huy “tinh thần hợp tác Mekong”, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của tất cả các quốc gia và người dân sinh sống trong Lưu vực; bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau; tất cả vì mục tiêu chung là phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị quan trọng này.