Hà NộiÔng Toản 45 tuổi, mắc bệnh đái tháo đường, điều trị bằng thuốc nhưng giảm hiệu quả khiến đường huyết tăng cao, suy thận mạn tính.
Ông Toản đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám vào cuối tháng 6, trong tình trạng phù to toàn thân, mệt mỏi, thường xuyên khó thở, thở gắng sức. Chỉ số đường huyết của ông cao hơn ngưỡng bình thường. Ông có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não nhiều năm. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán ông bị biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 4.
Ông Toản cho biết từng khám ở một số bệnh viện, vẫn uống thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Theo TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, thời gian gần đây, một số loại thuốc viên điều trị bệnh đái tháo đường của bệnh nhân giảm hiệu quả, khiến đường máu tăng cao và suy thận tiến triển nặng. Bác sĩ điều chỉnh liều thuốc cũ theo tình trạng suy thận, thay đổi một số loại thuốc mới, bổ sung thuốc lợi tiểu. Mức đường huyết của người bệnh dần ổn định, triệu chứng suy thận như phù toàn thân, khó thở giảm dần.
Bệnh nhân đái tháo đường có thể xuất hiện biến chứng thận, tiến triển thành bệnh thận mạn và suy thận giai đoạn cuối. Suy thận giai đoạn cuối do biến chứng đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu khiến người bệnh phải chạy thận nhân tạo chu kỳ. Bệnh thận đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần khám định kỳ nếu đái tháo đường có biến chứng thận để thay thế hoặc điều chỉnh liều lượng thuốc trong các trường hợp như suy thận nặng hơn, mức lọc cầu thận giảm, lượng đường huyết tăng cao.
Bác sĩ Ngọc cho biết thêm một số loại thuốc đái tháo đường thế hệ mới thuộc nhóm SGLT2 được nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả trong kiểm soát tốt lượng đường huyết. Thuốc còn có tác dụng bảo vệ thận, làm chậm tiến trình dẫn tới suy thận giai đoạn cuối. Với người bệnh suy thận, các thuốc thuộc nhóm sulfonylurea như Diamicron, Amaryl, Glibenclamide có thể dẫn tới tác dụng phụ hạ đường huyết. Nhóm thuốc metformin như Glucophage cần phải chỉnh liều lượng tùy theo mức lọc cầu thận. Các loại thuốc này cần được bác sĩ chỉ định.
Người bệnh không nên tự mua và sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc vì có thể gây ra các biến chứng thận nguy hiểm. Có nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng các loại thuốc này chuyển thành suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu cấp cứu.
Biến chứng thận do bệnh đái tháo đường có thể phòng ngừa nếu được phát hiện sớm. Định lượng vi đạm niệu trong nước tiểu là một xét nghiệm giúp phát hiện sớm biến chứng thận. Bác sĩ khuyến cáo can thiệp sớm bằng các loại thuốc đái tháo đường thế hệ mới, thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển hay nhóm ức chế thụ thể AT1 ở giai đoạn biến chứng thận sớm góp phần làm chậm tiến trình suy thận mạn.
Hòa Ba
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Vào lúc 20h ngày 11/7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Từ đái tháo đường đến suy thận” được phát trên fanpage của VnExpress. Chương trình có sự tham gia tư vấn của các bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực Nội tiết – Đái tháo đường và Nội tổng hợp như: TS.BS Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường; TS.BS Lê Bá Ngọc, Trưởng khoa Nội Tổng hợp; ThS.BS Hà Tuấn Phùng, Phó khoa Nội Tổng hợp. Các bác sĩ sẽ giải đáp về biến chứng suy thận ở bệnh nhân đái tháo đường. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây. |