Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/7 đã bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới châu Âu. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là Vương quốc Anh, nơi ông sẽ gặp Vua Charles III lần đầu tiên kể từ Lễ đăng quang của Quốc vương Anh, cũng như Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Nhưng chặng quan trọng nhất trong chuyến công du châu Âu của ông Biden sẽ là thủ đô Vilnius của Litva (Lithuania) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 74, diễn ra trong 2 ngày 11-12/7. Tại đây vẫn tồn tại câu hỏi gây tranh cãi về việc liệu Ukraine có thể (hoặc nên) tham gia liên minh quân sự NATO hay không.
Trước khi khởi hành đi châu Âu, Tổng thống Mỹ đã đưa ra quyết định gây tranh cãi: Cung cấp bom đạn chùm cho Ukraine.
Quyết định mà ông Biden gọi là “khó khăn” nhưng cần thiết đã khiến cộng đồng quốc tế dậy sóng, vấp phải sự phản đối của các đồng minh quan trọng như Canada và Anh và thậm chí nhiều nhà lập pháp lưỡng viện lưỡng đảng của Mỹ cũng không đồng tình.
Video mô phỏng do các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện, cho thấy hỏa lực của đạn chùm bắn từ pháo sử dụng đạn 155 mm tiêu chuẩn NATO. Nguồn: Kênh Telegram Ukraine Watch
Tuy nhiên, tất cả những điều này khó có thể cản trở nỗ lực của Tổng thống Mỹ nhằm củng cố sự thống nhất của NATO về hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine.
Khi nói đến Hội nghị thượng đỉnh NATO – hội nghị thứ 4 của liên minh xuyên Đại Tây Dương kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia Đông Âu, câu hỏi lớn hơn là: Ukraine có được cấp cho lộ trình để trở thành thành viên không?
Ba Lan và các quốc gia Baltic, những nước có quan điểm “diều hâu” (cứng rắn) nhất với Nga trong liên minh, muốn NATO cung cấp cho Kiev một lộ trình để trở thành thành viên – điều đã được hứa hẹn một cách mơ hồ từ năm 2008.
Nhưng Mỹ và Đức cho rằng Ukraine vẫn chưa sẵn sàng về mặt chính trị hoặc quân sự, và lo ngại rằng việc kết nạp Ukraine cuối cùng sẽ kéo liên minh này vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Ông Biden thích một cái gì đó giống “mô hình Israel” hơn, trong đó các đồng minh phương Tây tiếp tục trang bị “tới tận răng” cho quân đội Ukraine, nhưng không chính thức chấp nhận quốc gia Đông Âu gia nhập NATO.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ở Litva, nhưng đã ra “tối hậu thư” rằng ông sẽ không tham gia nếu không có tiến triển nào trong việc Ukraine gia nhập liên minh NATO.
Tổng thống Zelensky vẫn chưa quyết định có tới Vilnius hay không, Phó thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu Olha Stefanishyna cho biết hôm 9/7 khi trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Evropeiskaya Pravda của Ukraine.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 7/7 cho biết ông Zelensky sẽ tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Ukraine-NATO bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius (Litva). Tuy nhiên, ông Stoltenberg không hứa rằng trong Hội nghị Thượng đỉnh, Ukraine sẽ được mời gia nhập NATO sau khi chiến sự ở nước này kết thúc.
Trong trường hợp không nhận được lời mời tham gia NATO tại hội nghị, bà Stefanishyna cho biết Ukraine sẽ phải xem xét lại chiến lược của mình. Theo vị quan chức, khi đó Ukraine sẽ chuyển trọng tâm từ tư cách thành viên NATO sang đảm bảo an ninh cho Kiev từ phương Tây.
Quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh ở Vilnius sẽ khởi động các quy trình liên quan đến hoạch định chiến lược, hỗ trợ quân sự, lập kế hoạch quân sự, ưu tiên trong quan hệ với các đồng minh và đảm bảo an ninh, bà cho biết thêm.
Minh Đức (Theo GZero Media, TASS)