Theo lộ trình, thời gian tới sẽ có nhiều loại vaccine mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng Quốc gia nói về các loại vaccine sắp được tiêm miễn phí cho trẻ em. Ảnh: Nam Trần
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tiêm chủng vaccine an toàn và nâng cao nhận thức cộng đồng”, TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Bộ Y tế) – cho biết, hiện nay Chương trình tiêm chủng mở rộng có 12 loại vaccine phòng được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm bao gồm: Lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, bệnh tả (vùng có nguy cơ cao) và thương hàn (vùng có nguy cơ cao).
TS Huyền cho biết theo lộ trình, thời gian tới sẽ có nhiều loại vaccine mới được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Cụ thể, trong năm 2023, vaccine Rotavirus sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều tỉnh thành, sau đó sẽ triển khai trên toàn quốc vào năm 2024.
Đây là vaccine phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ đầu tiên được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí.
Còn lại, 3 loại vaccine phòng bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa dự kiến được đưa vào tiêm chủng miễn phí lần lượt từ năm 2025, năm 2026 và năm 2030.
“Việc đưa thêm 4 loại vaccine vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội tiếp cận vaccine để phòng bệnh”- TS Huyền cho hay.
PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế). Ảnh: Nam Trần
Theo PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), người dân không còn xa lạ với vaccine và tiêm chủng, từ năm 1981 chương trình tiêm chủng mở rộng được mở ra, mang đến nhiều cơ hội chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, là một phần quan trọng của chăm sóc cơ bản, để người lớn, trẻ em chống lại bệnh tật.
Nói về việc kiểm soát chất lượng vaccine từ khi sản xuất đến nhập khẩu và sử dụng tiêm chủng, ông Dũng khẳng định Cục Quản lý Dược là đơn vị theo dõi chất lượng vaccine, cấp phép lưu hành, kinh doanh, kiểm soát thông tin, theo dõi phản ứng sau tiêm… cùng các đơn vị khác của bộ.
“Hệ thống quản lý an toàn vaccine của Việt Nam đang ở cấp độ 3, là cấp độ rất cao. Chúng ta chỉ thiếu 1 điểm để đạt cấp độ 4 như các nước phát triển là thiếu dược sĩ tại cửa khẩu nơi nhập khẩu vaccine”- ông Dũng nói.
Thông tin về việc thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng, ông Dũng cho hay do đặc thù từ khi có đặt hàng đến khi nhận được vaccine cần một thời gian, nên vẫn còn sự “lệch pha” giữa nhu cầu và cung ứng. Bên cạnh đó có một số nguyên nhân khác như khâu mua sắm, sản xuất…
laodong.vn