Dự báo năm 2023 tiếp tục thua lỗ
Thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho biết, năm 2022, doanh nghiệp lỗ sau thuế 2,37 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi tới 312,67 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu năm 2022 cũng giảm mạnh gần 20% xuống 13.240 tỷ đồng cùng với lợi nhuận sau thuế là con số âm đã đưa tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) xuống còn âm 17,94%, trong khi năm trước là 1,98%.
Mặt khác, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lại tăng 0,86% lên 4,78%, thể hiện khả năng khó khăn trong trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu lại giảm gần 40% xuống 18,13%.
Tỉ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành cũng giảm từ 17,79% xuống 16,16% trong năm 2022.
Tuy nhiên, trái với kết quả kinh doanh trên, trong một báo cáo phân tích công bố mới đây, công ty chứng khoán VCBS cho rằng FE Credit ghi nhận lỗ 3.121 tỷ đồng trong năm 2022, chủ yếu đến từ việc tỉ lệ nợ xấu tăng nhanh.
Theo đó, tỉ lệ nợ xấu của FE Credit tại quý IV/2022 đạt 21,8% (so với 14,1% cuối năm 2021) và hiện đang là mức nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính tiêu dùng.
Công ty chứng khoán này cũng dự báo, 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit khi vẫn thua lỗ, trước khi quay trở lại có lãi vào năm 2024.
Đồng quan điểm, công ty chứng khoán VNDirect cho biết, tính cả năm 2022, FE Credit ghi nhận khoản lỗ trước thuế 3.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm khách hàng thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FE Credit.
Theo VNDirect, khó khăn chưa kết thúc với FE Credit trong năm nay, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung sẽ chậm lại, nhưng tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn.
VNDirect dự phóng tăng trưởng cho vay của FE Credit đạt 5% trong năm 2023 và lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng.
“Sang năm 2024, kỳ vọng khi điều kiện kinh tế cải thiện, FE Credit sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 8% và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.300 tỷ đồng”, báo cáo của VNDirect nêu.
Từ “con gà đẻ trứng vàng” đến khi để mất ngôi vương
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, FE Credit tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), đang là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với thị phần thống trị.
Công ty tài chính này từng là “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng VPBank khi nhiều năm liền đóng góp từ 40-50% lợi nhuận cho ngân hàng mẹ. Thời hoàng kim, có năm FE Credit báo lãi tới hơn 3.700 tỷ đồng.
Theo đó, trong năm 2017, VPBank có doanh thu đạt hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2016. Sau khi khấu trừ thuế, ngân hàng này báo lãi ròng tới hơn 6.430 tỷ đồng, ghi nhận cao nhất trong lịch sử.
Đóng góp phần lớn trong lợi nhuận đến từ FE Credit, chiếm khoảng 51% vào tổng lợi nhuận chung của toàn ngân hàng mẹ.
Cụ thể, mảng cho vay khách hàng của FE Credit chiếm 21 – 22% trong năm 2017, số dư cho vay chiếm 23% trên cơ cấu tổng tài sản VPBank.
Tuy nhiên, đến năm 2018, dù FE Credit ghi nhận lãi lớn năm trước, nhưng chính lãnh đạo VPBank cũng nhận thức được rủi ro tiềm ẩn từ công ty con nhưng vẫn đưa ra dự định lạc quan trong 5-10 năm tới, tài chính tiêu dùng vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” với nhà băng.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình hình hoạt động của FE Credit không còn như trước. Trong năm 2020, tỉ trọng đóng góp của FE Credit giảm xuống mức hơn 28% một phần do kết quả không tốt và còn do ngân hàng mẹ VPBank bứt tốc mạnh.
Đến năm 2021, FE Credit báo lãi trước thuế vỏn vẹn hơn 600 tỷ đồng, để mất ngôi “quán quân” lợi nhuận mà công ty đã duy trì liên tục trong nhiều năm liền.
Đáng chú ý, FE Credit có tốc độ tăng vốn điều lệ rất nhanh chóng. Theo đó, khi mới thành lập vào năm 2015, công ty đã tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Công ty tiếp tục nâng vốn lên 2.790 tỷ đồng vào năm 2016 và 4.474 tỷ đồng trong năm 2017. Chỉ 1 năm sau, vốn điều lệ FE Credit tiếp tục được nâng lên 7.328 tỷ đồng.
Đặc biệt, đến cuối tháng 4/2021, FE Credit được định giá tới 2,8 tỷ USD trong thương vụ VPBank bán 49% vốn cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật.
Sau khi bán vốn cho SMBC, FE Credit nâng vốn điều lệ từ 7.328 tỷ đồng lên 10.928 tỷ đồng.
Về VPBank, ngân hàng có thể đã thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ bán vốn này cho tập đoàn ngân hàng tài chính hàng thuộc top 3 của Nhật Bản (với tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD).