Đoàn Cải lương Hương Tràm đã mang “Tiếng trống Mê Linh” đến với các xã trên địa bàn huyện Phú Tân, được khán giả đón nhận nhiệt tình. Bức màn sân khấu mở ra hàng đêm đều thu hút từ 300-500 khán giả. Bà Huỳnh Thị Hồng, khán giả xã Việt Thắng, phấn khởi: “Khi nghe đoàn đến diễn tuồng “Tiếng trống Mê Linh”, tôi và bà con ở xóm nói với nhau cỡ nào đêm nay cũng không bỏ lỡ. Trước đây tôi xem vở này trên ti vi, lâu rồi mới được xem lại trực tiếp ở sân khấu như vậy, cảm xúc thật khó tả. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều trích đoạn cải lương về lịch sử như thế, để giáo dục niềm tự hào dân tộc cho các bạn trẻ”.
Các tuyến nhân vật đã hoàn thành xuất sắc vai diễn, tạo thành một bức tranh tổng thể hoàn chỉnh.
“Tiếng trống Mê Linh” là vở cải lương kinh điển của Soạn giả Vĩnh Ðiền, được công diễn lần đầu tiên vào năm 1977. Nguyên tác của vở diễn vốn là một vở chèo mang tên “Trưng Vương” của tác giả Việt Dung. Nội dung vở diễn nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong thời Bắc thuộc, dưới sự cai trị hà khắc của thái thú Tô Ðịnh, ngay cả lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng không được tổ chức. Vì yêu nước, bà Trưng Trắc đã lập bàn thờ tế sống chồng mình, cùng em gái Trưng Nhị lãnh đạo người dân Nam khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược.
Trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” do NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, làm đạo diễn, cho thấy sự công phu trong dàn dựng và làm mới không khí lịch sử. Các vai diễn được đặt để vừa vặn, tinh tế. Mặc dù nhiều áp lực, nhưng các nghệ sĩ vẫn dành tâm sức nghiên cứu tâm lý nhân vật và xem là niềm tự hào, hạnh phúc khi được cống hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương. NSƯT Hoa Phượng bộc bạch: “Kịch bản “Tiếng trống Mê Linh” do cố Nghệ sĩ Thanh Nga biểu diễn quá đình đám, ăn sâu vào lòng người, đã tạo sức ép không nhỏ cho người đi sau. Khi nhận vai Trưng Trắc, tôi nhiều lần xem lối diễn của các nghệ sĩ đi trước để học hỏi, đào sâu, rút ra cách thể hiện phù hợp”.
Trong khoảng không gian nhỏ hẹp của sân khấu, các nghệ sĩ Ðoàn Cải lương Hương Tràm đã đưa khán giả đi ngược dòng thời gian để sống lại giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. NSƯT Hoa Phượng đã tái hiện thành công hình ảnh Trưng Trắc, người phụ nữ mưu trí, có tài thao lược, trái tim nhân hậu và quả cảm “một vai nặng gánh giang sơn, một vai nặng gánh ân tình”.
NSƯT Hoa Phượng đã tái hiện thành công hình ảnh bà Trưng Trắc, người phụ nữ mưu trí, có tài thao lược, trái tim nhân hậu.
Khán giả vừa xúc động vừa tự hào khi nhân vật Trưng Trắc dõng dạc lời thề non sông: “Hỡi đồng bào trăm họ/Giặc Ðông Hán đang xéo giày đất nước/Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/Thà chết mà đứng thẳng/Không cam chịu sống quỳ/Ðất nước Nam cẩm tú/Người dân Nam anh hùng/Trước đền thờ Quốc Tổ/Thề hy sinh giết giặc cứu non sông/Xin thề!”. Tiếng trống đồng vang vọng trong thời khắc quyết định khởi nghiệp của Hai Bà Trưng là lời hiệu triệu linh thiêng, khiến người xem trào dâng cảm xúc tự hào về hào khí Âu Lạc.
Cảnh bà Trưng Trắc đội tang, lập bàn thờ tế chồng là Thi Sách trước khi tấn công địch.
Các tuyến nhân vật đã hoàn thành xuất sắc vai diễn, tạo thành một bức tranh tổng thể hoàn chỉnh. Nghệ sĩ Hoàng Thái Hùng đã thể hiện bản lĩnh kiên trung trong vai Thi Sách. Nghệ sĩ Kim Hiền khắc hoạ nét uy nghi, quyết đoán của Trưng Nhị. Nghệ sĩ Phi Hải chứng tỏ sự dày dặn khi đảm nhận vai Tô Ðịnh, gian ác, tham lam…
Nghệ sĩ Hoàng Thái Hùng thể hiện bản lĩnh kiên trung trong vai Thi Sách.
Việc tái hiện những vở diễn về đề tài lịch sử là một trong những đổi mới của Ðoàn Cải lương Hương Tràm. Vở diễn phù hợp với xu hướng hoài cổ, nội dung dễ đi vào lòng người và hơn hết là khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước, kiến thức lịch sử… Bằng chất liệu sẵn có, diễn xuất nhập vai của nghệ sĩ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật đương đại với truyền thống… nghệ thuật cải lương ngày càng được khán giả quan tâm đón nhận. Ðiều đó khẳng định giá trị của cải lương vẫn luôn có chỗ đứng vững chãi trong lòng khán giả./.
Mộng Thường