Trong khi các nền kinh tế phát triển vật lộn với mức lạm phát trung bình 7%, Venezuela phải đối mặt với lạm phát lên tới 310%.
Lạm phát ở Mỹ đã giảm bớt trong những tháng gần đây, trước đó chỉ tiêu này đạt đỉnh trên 9% vào mùa hè năm ngoái. Nhưng ngay cả khi tồi tệ nhất, việc tăng giá vẫn thấp hơn đáng kể so với những gì người dân ở một số nền kinh tế kém phát triển đã phải gánh chịu trong nhiều năm qua.
Một số quốc gia, gồm Venezuela, Argentina và Sudan, đã phải gánh chi phí tăng vọt trong nhiều thập kỷ. Năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng ở Venezuela cao hơn bốn lần so với một năm trước đó, trong khi ở Argentina cao gần gấp đôi so với năm 2021, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Dù lạm phát đã là vấn đề của Venezuela liên tục từ những năm 1980, nhưng chỉ số này chưa từng cao như vậy trong những năm gần đây.
Quốc gia Mỹ Latinh này chứng kiến siêu lạm phát hơn 130.000% trong năm 2018, khi chính phủ phải tạo ra một loại tiền tệ mới – Bolivar Soberano – với tỷ lệ quy đổi bằng 100.000 bolivar cũ, để đơn giản hóa các giao dịch. Giá một lon Coca chuyển từ 2,8 triệu bolivar “cũ” thành 28 bolivar “mới”.
Năm 2022, lạm phát của Venezuela vẫn là 310%, cao nhất thế giới.
Andrés Guevara, giáo sư kinh tế tại Đại học Andrés Bello Catholic cho biết những người về hưu và công nhân trong khu vực công ở Venezuela bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ông nói với CNN rằng, nước này trả lương hưu và lương cho công chức bằng đồng nội tệ, vì vậy khi đồng bolivar mất giá “nó làm mất sức mua và khiến những bộ phận dân cư này bần cùng hóa một cách ồ ạt”.
“Tôi chỉ có thể mua một miếng phomat bằng tiền trợ cấp”, Nelson Sánchez, một người hưu trí tại Venezuela, nói với CNN. Người sau 50 năm làm việc phải quay lại nhận tiền hỗ trợ từ chính gia đình cho biết “đã mất rất nhiều thời gian để thích nghi”.
Trong khi đó, giá cả tăng ở Argentina, tiền lương đã tăng với tốc độ thường xuyên hơn. “Những công đoàn trong một số lĩnh vực kinh tế yêu cầu thay đổi mức lương mỗi hai tháng một lần”, Emiliano Anselmi, nhà kinh tế trưởng tại Portfolio Personal Inversiones, một công ty đầu tư có trụ sở tại Buenos Aires, cho biết.
Lạm phát cũng dẫn tới một vấn đề khác là mọi người cố gắng tiêu tiền càng sớm càng tốt. “Bởi vì mọi thứ sẽ đắt đỏ hơn vào ngày mai, nên mọi người muốn tiêu tiền ngay khi họ nhận được nó, và điều này tiếp tục làm tăng lạm phát”, Anselmi nói.
Ở các nền kinh tế bị ảnh hưởng, tín dụng bị hạn chế, đặc biệt là đối với những người ít giàu có hơn. “Thị trường tín dụng không tồn tại. Nếu bạn muốn mua một ngôi nhà, bạn gom từng đôla Mỹ lại với nhau và trả tất cả cùng một lúc”, nhà kinh tế trưởng tại Portfolio Personal Inversiones nói.
Khi các chính phủ vật lộn với tài chính của họ, mọi người đã tìm ra cách để vượt qua những tình huống này. Một trong những giải pháp phổ biến nhất là sử dụng đồng tiền ổn định hơn, đặc biệt là đồng đôla Mỹ.
Theo Guevara, việc sử dụng USD để giao dịch trở nên phổ biến ở Venezuela, vì mọi người không tin tưởng vào đồng nội tệ với tỷ lệ lạm phát quá cao. “Thực tế đã có một sự đôla hóa nền kinh tế Venezuela”, Guevara nói.
Cải thiện lạm phát ở Venezuela đòi hỏi các thể chế tốt hơn, với sự minh bạch cao hơn. “Không có niềm tin, không có pháp quyền và cơ sở thể chế khá yếu. Đó là vấn đề tiềm ẩn của Venezuela”, ông nói.
Trong trường hợp của Argentina, Anselmi tin rằng sau cuộc bầu cử năm 2024, chính phủ mới sẽ cần áp dụng một kế hoạch ổn định để giảm thâm hụt và lạm phát. Kế hoạch này có thể đồng nghĩa với sự gia tăng nghèo đói và xung đột xã hội, đặc biệt là trong sáu tháng đầu năm.
Minh Sơn (theo CNN)