Đối với người dân xứ biển như tôi, ốc nhảy không chỉ luôn là món ăn ngon, đầy thèm thuồng mà còn là một khung trời mang đầy kỷ niệm. Ngày tôi còn là chú nhóc, món ốc nhảy luộc chấm mắm gừng là phần quà “sang chảnh” mà ba mẹ chỉ dành cho đàn con vào những dịp đặc biệt nhất.
Ốc nhảy thời đó nhiều lắm. Một kg ốc nhảy lúc đó tầm 30 con thôi. Từng con ốc nhảy no tròn, dài tầm ngón tay, khi luộc hoặc hấp lên, kéo phần thịt ốc ra chấm mắm gừng rồi nhẩn nha nhai, tận hưởng vị ngọt đặc thù, khỏi phải nói, cảm giác vô cùng thương nhớ. Ăn xong thì để dành lại vỏ ốc, nhiều người dùng tráng sân, phòng khi mưa gió kéo về, để sân nhà khỏi cảnh bùn lầy trơn trợt.
Sở dĩ con ốc nhảy có chất lượng thịt ngon là vì loại ốc này có một đặc điểm khác hẳn nhiều loại ốc khác. Ốc nhảy sống ở vùng đáy biển ấm, và nó không trườn như các loại ốc thông thường, ốc nhảy hay “nhảy cà tưng” để di chuyển. Chính vì đặc điểm này mà phần thịt, cơ của loài ốc nhảy rất săn chắc.
Ốc nhảy có thể chế biến thành nhiều món, như ốc nhảy xào bơ, ốc nhảy hấp sả, ốc nhảy xào sả ớt, ốc nhảy nướng tiêu… Tuy nhiên, ốc nhảy ngon nhất theo tôi là khi nướng mọi. Cầm con ốc bỏ hẳn lên than hồng, khi mùi thơm thịt ốc tỏa ra, ta cứ lấy mà thưởng thức thôi.
Một đặc điểm nữa của ốc nhảy là phần thịt của ốc khi chín, đặc biệt là khi nướng mọi, thì ăn vào sẽ tỏa ra mùi thơm dịu rất đặc trưng. Chính vì thế, nếu ốc nhảy “bị” tẩm ướp cùng các gia vị khác, khi thưởng thức, ta có thể chỉ hưởng được vị chứ không cảm được hương của ốc.
Cầm con ốc nhảy nóng hổi vừa lấy ra từ vỉ. Kéo phần thịt trắng ngà, dày cơm ra, mùi hương ốc chín đã ngào ngạt. Chấm phần thịt này vào chén mắm chua ngọt… Càng nhẩn nha nhai, vị ngọt bùi càng thôi thúc người thưởng thức nhanh tay bốc tiếp con ốc vừa nướng chín tới.