Nhằm thu hút và giữ chân người lao động, bên cạnh việc cải thiện điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi, thời gian gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) còn nỗ lực đưa ra các giải pháp đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Công ty CP Than Vàng Danh hiện có trên 5.600 cán bộ, công nhân lao động. Đây là đơn vị sản xuất than hầm lò chủ lực có số lượng lao động đông nhất trong TKV. Từ năm 2020 đến nay, Công ty là một trong những đơn vị được TKV đánh giá cao trong đảm bảo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động với thu nhập bình quân của người lao động tăng 11%/năm.
Giai đoạn 2017-2022, sản lượng than khai thác của Công ty đạt trên 3 triệu tấn/năm, doanh thu và lợi nhuận tăng đều theo từng năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được quan tâm chăm lo, cải thiện. Năm 2022, Công ty đã khai thác đạt 4,27 triệu tấn, bằng 110,4% kế hoạch năm, tăng 10% so với năm 2021. Đây là đơn vị có sản lượng than hầm lò cao nhất của TKV. Doanh thu của đơn vị đạt trên 6.000 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay); nộp ngân sách nhà nước 1.100 tỷ đồng.
Đời sống của người lao động tiếp tục được quan tâm, chăm lo và cải thiện. Thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 18 triệu đồng/người/tháng. Toàn Công ty có 1.100 người có mức thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Theo lãnh đạo Công ty CP Than Vàng Danh, “chìa khóa” giúp doanh nghiệp tăng thu nhập cho người lao động đó là áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thiết bị và công nghệ mới vào sản xuất. Hiện Công ty đã hoàn thiện công nghệ cơ giới hóa đồng bộ hạ trần thu hồi than nóc lò chợ I-8-3A, công nghệ lò chợ xiên chéo vỉa dốc chống giàn mềm. Ngoài ra, đơn vị còn đang nhân rộng ứng dụng công nghệ giá thủy lực di động dạng khung, xích và ZRY.
Hiện nay, Công ty đang tích cực xây dựng “Doanh nghiệp vì người lao động”, trong đó lấy tiêu chí thu nhập là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa, tin học hóa và tự động hóa vào các dây chuyền sản xuất.
Cùng với Công ty CP Than Vàng Danh, thời gian gần đây, thu nhập của người lao động TKV được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Điều này thể hiện rõ nhất ở lộ trình tăng lương của Tập đoàn. Năm 2022, TKV bổ sung vào chi phí khoán cho các đơn vị, tăng so với kế hoạch đầu năm trên 2.500 tỷ đồng. Cùng với đó lợi nhuận định mức cũng được Tập đoàn giao tăng gấp đôi so với kế hoạch giúp tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó giúp các đơn vị có điều kiện tăng quỹ khen thưởng, phúc lợi phục vụ cho người lao động.
Năm 2022, tiền lương bình quân toàn Tập đoàn đạt 16,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 23,6% kế hoạch và tăng 15,4% so với năm 2021. Trong đó, các đơn vị khối sản xuất than hầm lò có tiền lương bình quân 19,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 23,7% kế hoạch và tăng 18,1% so với năm 2021. Tiền lương bình quân thợ lò đạt 24,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 24,8% kế hoạch và tăng 13,8% so với năm 2021. Trong đó có 6.941 thợ lò thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, chiếm 28,9% tổng số thợ lò.
Năm 2023, TKV phấn đấu than nguyên khai sản xuất 39,4 triệu tấn, than tiêu thụ 46,5 triệu tấn. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn 14,9 triệu đồng/người/tháng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động TKV đạt 15,7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ chủ chốt của TKV là sẽ tập trung vào việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc; đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động; điều hành tiền lương bình quân chung, tiền lương các ngành, nghề không thấp hơn mức lương kế hoạch trên cơ sở đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực tự sửa chữa, phục hồi thiết bị tái sử dụng cho sản xuất để giảm chi phí, nâng cao tính tự chủ trong điều kiện khó khăn về giá cả, khả năng cung ứng vật tư, nhất là đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu.
Đặc biệt, Tập đoàn sẽ tiếp tục áp dụng tối đa cơ giới hóa các khâu sản xuất than và đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm tăng thời gian làm việc hữu ích của người lao động, năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động.