Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua việc hưởng ứng tham gia Ngày Chủ nhật nông thôn mới, làm đẹp cảnh quan môi trường. Ảnh: H. Đức
Luật THDCCS năm 2022 quy định về nội dung, cách thức THDCCS, quyền và nghĩa vụ của công dân trong THDCCS và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm THDCCS.
Theo Điều 2 của luật giải thích: THDCCS là phương thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Về phạm vi THDCCS, Điều 4 của luật quy định: Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú. Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định. Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động; trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.
Luật quy định về quyền của công dân như sau: 1) Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật. 2) Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung THDCCS theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. 3) Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về THDCCS theo quy định của pháp luật. 4) Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong THDCCS theo quy định của pháp luật.
Luật THDCCS năm 2022 cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cụ thể, tại Điều 11 của luật quy định, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp xã phải công khai các nội dung sau đây: Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hàng năm của cấp xã và kết quả thực hiện; số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình HĐND cấp xã; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được HĐND cấp xã quyết định.
Chính quyền địa phương cấp xã phải công khai cho nhân dân về các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã…
UBND cấp xã công khai cho nhân dân biết về: Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã. Việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã; các khoản huy động nhân dân đóng góp.
Chính quyền cấp xã thông tin công khai về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn cấp xã. Công khai về số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã.
Ngoài ra, chính quyền cấp xã còn phải công khai các nội dung khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Về những nội dung nhân dân bàn và quyết định, Điều 15 Luật THDCCS quy định gồm: chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ấp, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức; việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác.
Nhân dân tham gia và quyết định các nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; bầu và cho thôi làm trưởng ấp, tổ trưởng tổ dân phố; tham gia bầu và cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Ngoài ra, nhân dân còn tham gia các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội.
Huỳnh Đức