CEO Rikkei Japan, anh Bùi Quang Huy (Top Forbes 30 Under 30 năm 2018) cho biết, Rikkei Japan có đội ngũ nhân sự am hiểu thị trường Nhật mà không doanh nghiệp Việt nào tại Nhật có được.
Anh là người xung phong sang Nhật và trở thành đại diện của Rikkei Japan, điều gì khiến anh nghĩ mình có thể dẫn dắt và vận hành tốt công ty?
Rikkeisoft làm việc rất nhiều với doanh nghiệp Nhật Bản nên cần một pháp nhân tại Nhật. Pháp nhân này đảm bảo các yếu tố liên quan đến lòng tin, khả năng phát triển của Rikkeisoft tại thị trường Nhật. Do đó, Rikkei Japan ra đời vào năm 2016.
Đối với riêng tôi, trước khi mở chi nhánh tại Nhật, tôi di chuyển giữa Nhật Bản và Việt Nam nhiều lần để làm việc, trung bình khoảng một tháng bay sang một lần. Trong quá trình qua lại nhiều như thế, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người vĩ đại, giỏi kinh doanh tại Nhật, thôi thúc tôi có nhiều ý tưởng kinh doanh mới.
Ngoài ra, tôi muốn “quăng” mình ra môi trường hoàn toàn khác để thử thách bản thân bởi tự thấy bản thân có khả năng xây dựng tổ chức, đội hình. Do đó, tôi xung phong sang Nhật để phát triển thị trường tại Nhật.
Trên thực tế, môi trường kinh doanh ở Nhật đã phát triển một thời kỳ rất là dài rồi. Thị trường Nhật trưởng thành và chuyên nghiệp. Vì vậy, môi trường kinh doanh tại Nhật rất minh bạch, sòng phẳng. Hơn nữa, nền kinh tế Nhật rất lớn, hơn 4.000 tỷ USD và còn chưa khai phá hết. Vì vậy, thành lập pháp nhân ở Nhật thuận lợi trong việc khai thác thị trường này hơn.
Tôi đã từng học tập tại Nhật nên khá tự tin từ ngôn ngữ trao đổi cho đến độ am hiểu về mức độ tăng trưởng thị trường. Vì vậy, tôi thấy mình có thế mạnh về văn hoá, am hiểu môi trường, biết cách tạo cơ hội, từ đó tôi khá tự tin khi sang Nhật và điều hành Rikkei Japan.
Làm việc với khách hàng Nhật, điều quan trọng là hiểu tâm lý khách hàng, tâm lý người Nhật thông thường họ cần mức độ tin tưởng cao và có tính cam kết dài hạn. Tôi tự tin có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường Nhật.
Thị trường IT ở Nhật được đánh giá rất lớn và nhiều quốc gia tham gia vào. Anh thấy nhân sự IT của Việt Nam làm cho thị trường Nhật có đang bị mất ưu thế bởi các quốc gia khác hay không?
Hiện nay, thị trường IT ở Nhật đang có nguồn cầu nhân sự rất lớn, theo dự báo của Bộ Kinh Tế Nhật, mỗi năm họ thiếu khoảng 300 nghìn kỹ sư IT và tương lai mức độ ngày càng trầm trọng hơn do vấn đề già hóa. Để vào thị trường Nhật thì không hề dễ, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt đã làm được. Trước Việt Nam, Trung Quốc đã vào thị trường Nhật rất xuất sắc. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nền kinh tế của Trung Quốc khá phát triển, dần họ không có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật nữa.
Thậm chí, nhân sự IT của Trung Quốc có xu hướng ngang bằng hoặc cao hơn Nhật. Do đó, cách đây từ 10-15 năm, các doanh nghiệp Nhật đã bắt đầu sang Việt Nam (làn sóng China+1) để tìm kiếm thị trường có thể cung cấp nhân sự IT với chi phí hợp lý hơn. Rất may mắn rằng thời chúng tôi (Rikkeisoft) là thời kỳ đón được làn sóng đấy.
Trên thực tế, kinh tế Việt Nam bây giờ giống Trung Quốc ở thời điểm 10 năm về trước, nền kinh tế bắt đầu phát triển lên, mức sống dần khá giả và lương IT của Việt Nam bắt đầu cạnh tranh hơn rất nhiều. Nội tại của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam cũng mạnh hơn so với 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, ngành xuất khẩu phần mềm của Việt Nam vẫn chưa có một đối thủ nào xứng tầm khai thác thị trường Nhật trong ngắn và trung hạn. Cách đây khoảng 5 năm, Nhật đã bắt đầu nhen nhóm sang Myanmar vì giá nhân công của Myanmar rất rẻ, gần Nhật và người Myanmar học tiếng Nhật cũng rất dễ.
Tuy nhiên, Myanmar không có nền chính trị ổn định như Việt Nam và nhân sự của họ không nhiều người giỏi về kỹ thuật nên gần như Myanmar không đi tiếp được. Bên cạnh đó, các nước như Bangladesh hay Nepal còn quá bé, không đáng kể gì.
Thế còn Ấn Độ thì rõ ràng Ấn Độ làm việc với Mỹ nhiều, sử dụng tiếng Anh, nên khó xâm nhập vào thị trường Nhật. Nhìn trong bức tranh chung của cả thị trường IT tại Nhật, Việt Nam vẫn là một đối tác rất quan trọng và không rút ra được.
Như anh chia sẻ, nguồn nhân lực là chìa khóa quan trọng tạo lợi thế cạnh tranh. Vậy Rikkei Japan làm thế nào để có được nguồn nhân lực tốt nhằm tạo điểm khác biệt với các đối thủ?
Tại Việt Nam, người lúc nào cũng nhiều, rất năng động nhưng khi sang các thị trường khác, tôi cảm nhận rõ ràng để tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường thì vấn đề có người hay không, có đủ nhân sự hay không thôi. Năm năm trước, Rikkei Japan tập trung vào câu chuyện về giá, nhưng hiện tại, chúng tôi đánh trọng tâm vào lợi thế về năng lực công nghệ và nguồn lực nhân sự.
Vậy làm sao để có nhân sự đủ cả về số lượng và chất lượng? Đầu tiên, để có số lượng nhân sự tốt, Rikkei Japan đã sử dụng các chế độ phúc lợi tốt, các chương trình đào tạo cho nhân sự phát triển.
Thứ hai, về chất lượng, đầu tiên là về kỹ thuật thì chắc chắn là phải giỏi rồi. Nhân sự IT cần am hiểu các công nghệ, ngôn ngữ mới rồi.
Điều thứ ba để tạo ra chất lượng nhân sự tốt là khả năng giao tiếp. Trong khả năng giao tiếp, điều quan trọng đầu tiên là khả năng ngoại ngữ. Tuy nhiên khả năng ngoại ngữ là chưa đủ, mà cần khả năng đọc vị vấn đề, nắm bắt điều đối phương muốn truyền đạt.
Điều cuối cùng là tư duy phát triển sản phẩm và giải quyết vấn đề. Hầu hết kỹ sư Việt làm sản phẩm để chạy thử thường rất nhanh, thấy vấn đề là lao vào giải quyết ngay. Tuy vậy, phần lớn chỉ giải quyết được phần ngọn, tư duy làm ra hệ thống lớn, hàng triệu người sử dụng và khả năng bảo trì hàng chục năm về sau hay tìm hiểu tất cả ngọn ngành trước khi giải quyết vấn đề thì chưa có nhiều. Vấn đề này cần nhìn nhận thực tế và học hỏi từ các bạn Nhật. Nhưng về khả năng quyết đoán và tốc độ thì ngược lại, người Nhật có nhiều cái cần học hỏi người Việt.
Nói chung, để có số lượng và chất lượng nhân sự IT đủ tốt, Rikkei Japan luôn đầu tư mạnh cho đội ngũ của mình về khả năng giao tiếp, cách làm việc và khả năng kỹ thuật. Bởi vì đó là “xương sống” để Rikkeisoft phát triển bền vững trong dài hạn.
Tham gia vào thị trường khó tính như Nhật Bản, Rikkei Japan đã sử dụng chiến lược gì để hoạt động vững mạnh?
Chiến lược đầu tiên Rikkei Japan sử dụng là uy tín, luôn cam kết đi cùng với khách hàng trong dài hạn. Đây là triết lý quan trọng nhất khi kinh doanh ở Nhật.
Chiến lược thứ hai là thể hiện được công ty luôn luôn có ý chí phấn đấu và tăng trưởng. Khi ấy, khách hàng sẽ tin tưởng, gắn bó với mình lâu hơn.
Chiến lược thứ ba là yếu tố về chất lượng. Ngoài việc xây dựng các mối quan hệ, khi mà triển khai dự án với nhau thì khả năng phát triển sản phẩm của mình phải thật tốt thì khách hàng mới có lý do để gắn bó với mình.
Thực tế hiện nay, Rikkei Japan không đơn thuần là gia công nữa, Rikkei đã tư vấn, giải quyết được các bài toán mà khách hàng đưa ra, dù bài toán thậm chí mơ hồ, nhưng Rikkeisoft vẫn có thể tư vấn rõ ràng và đưa ra đề xuất chi tiết để giải quyết các bài toán đó.
Điều này khác hẳn hồi xưa, mình chỉ có nhận bản thiết kế rồi ngồi mình gõ phím để code. Nhưng hiện tại không phải thế, đội ngũ của Rikkei đều phải tìm hiểu rất sâu về cái từng phần một, từ đó đưa ra các phương hướng giải quyết.
Hiện nay, thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Nhật Bản rất lớn. Rikkei Japan đã tham gia vào thị trường này như thế nào?
Để tôi nói qua một chút về tình trạng chuyển đổi số ở Nhật. Trên thực tế, nếu so sánh Nhật Bản với Trung Quốc hay với Hàn Quốc, Nhật Bản hoàn toàn chậm hơn. Trung Quốc và Hàn Quốc quẹt thẻ, dùng mã QR, nhận diện khuôn mặt để thanh toán là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại khá chậm trong việc bắt kịp các nước phát triển khác về chuyển đổi số. Có thể nói rằng, các doanh nghiệp IT của Nhật Bản đang đi thụt lùi. Do đó, họ bắt đầu phải hành động để giải quyết vấn đề này.
Hành động đầu tiên Nhật Bản thực hiện là thành lập Bộ Kỹ thuật số tháng 9/2021 mặc dù đã là khá muộn. Bộ này do trực tiếp thủ tướng chính phủ đứng đầu, có Bộ trưởng Kỹ thuật số riêng, thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp, và đẩy mạnh số hóa định danh cá nhân My Number…
Cụ thể, Chính phủ Nhật đứng ra hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật trong chuyển đổi số. Các doanh nghiệp Nhật sẽ lên đề án về các dự án chuyển đổi số, trình lên chính phủ và nhận được phê duyệt trợ cấp. Từ đó, các công ty như Rikkei Japan sẽ cung cấp dịch vụ để giải quyết các vấn đề trong vận hành cho các doanh doanh nghiệp của Nhật.
Hiện tại, Rikkei là doanh nghiệp Việt và đã tham gia vào chuyển đổi số cho Nhật Bản. Cụ thể, một số dự án chuyển đổi số cho doanh nghiệp Nhật như Rikkei Smart Camera System – Giải pháp phân tích thông tin từ hệ thống camera giám sát, ứng dụng trong giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục…
Ngoài ra, chúng tôi có cơ hội xây dựng một văn phòng ảo cho một khách hàng Nhật, tức là tất cả cách làm việc giữa các nhân viên như trước đây thay đổi hoàn toàn từ môi trường, cách giao tiếp đến cách đánh giá hiệu quả nhân viên từ BigData.
Hay dự án Rikkei Smart Call Center – Giải pháp cải thiện chăm sóc khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu chi phí và thời gian. Rikkei eKYC – Giải pháp định danh khách hàng điện tử có khả năng xác minh, nhận diện, trích xuất thông tin từ hình ảnh và giấy tờ cá nhân với độ chính xác 99%.
Công nghệ AI của Rikkei còn được áp dụng vào khâu R&D, thử nghiệm tại các cửa hàng tự động không người bán của một số siêu thị, khách hàng chỉ cần vào cầm đồ và đi về luôn, hệ thống sẽ tự nhận diện danh tính và tự động trừ vào cái tài khoản giao hàng của người mua hàng. Những giải pháp mà Rikkei đã thực hiện góp phần giải quyết vấn đề già hóa dân số của Nhật.
Rikkei Japan liên tục khuyến khích và cử nhiều nhân sự sang Nhật Bản làm việc. Việc đưa lao động chất lượng cao sang Nhật có phải để thay đổi cách nhìn của người Nhật đối với người Việt Nam hay không?
Tính từ trước đến nay, Rikkei Japan đã đưa tối thiểu hơn 1.000 lượt kỹ sư IT Việt Nam sang Nhật để làm việc. Mọi người đều thấy rằng, khi đưa lao động sang Nhật Bản để nâng cao năng lực của bản thân, từ đó tốt cho bản thân, tốt cho công ty.
Khi có nhiều lao động chất lượng cao người Việt Nam tại Nhật Bản, tạo ra giá trị cho xã hội Nhật đang già hóa, điều chắc chắn người Nhật sẽ có cái nhìn khác về người Việt Nam. Hình ảnh của người Việt Nam qua đó sẽ tốt lên khi nhìn từ bên ngoài vào.
Bên cạnh đó, Rikkeisoft hay Rikkei Japan còn có mong muốn sâu xa hơn. Nếu nhìn rộng hơn, cơ cấu dân số của Việt Nam bây giờ đang trong giai đoạn tỷ lệ vàng, tam giác dân số đang đẹp nhất.
Hiện nay, lực lượng trong độ tuổi lao động của Việt Nam rất trẻ. Tuy nhiên, điều này sẽ mất đi sau 10 – 20 năm nữa, Việt Nam sẽ đối diện với bài toán già hóa dân số y như là Trung Quốc hiện nay và Nhật Bản 40 năm trước. Chính vì vậy, thời điểm này là thời điểm duy nhất có nhiều thuận lợi để nâng cao trình độ người Việt, nếu không tận dụng ngay thì về sau sẽ không còn cơ hội nữa.
Rikkei Japan thông qua hình thức đưa nhiều lao động chất lượng cao sang Việt Nam muốn chính bản thân lao động đó và gia đình của họ cũng có trải nghiệm ở nước ngoài. Xét về lâu dài, điều này sẽ có ảnh hưởng đến cả một thế hệ khi con cái họ có nhiều cơ hội tiếp xúc mới các nền kinh tế đã phát triển.
Tất nhiên, ai cũng muốn sang bên Nhật Bản một thời gian rồi quay về để đóng góp cho Tổ quốc, đây là điều đương nhiên. Điều quan trọng là nhìn nhận được thời điểm này là thời điểm có một không hai để không chỉ phát triển cho thế hệ này mà còn phát triển cho cả thế hệ sau. Mỗi quốc gia đều có chu kỳ phát triển của riêng mình, nhất là các nước nhỏ và đi sau như Việt Nam, nên lấy đó làm bài học và cơ hội để phát triển.
Sau 7 năm hoạt động tại Nhật Bản, Rikkei Japan đóng góp cho cộng đồng ở bên Nhật khá là mạnh bằng việc tài trợ cho các hiệp hội, xây dựng làng Việt tại Nhật. Hiệu quả của các hoạt động này có được như kỳ vọng của anh và đội ngũ lãnh đạo của Rikkeisoft hay chưa?
Các doanh nghiệp Việt hoạt động mạnh tại nước ngoài, đặc biệt là ngành kỹ thuật cao hiển nhiên sẽ tăng mức độ nhận diện quốc gia (Việt Nam) tại nước sở tại đó. Từ việc nhỏ như tăng tỉ lệ visa chất lượng cao của người Việt, thúc đẩy mạnh mẽ tiếng nói cộng đồng tri thức người Việt, đến các bài toán vĩ mô về quan hệ hai nước.
Làng Việt tại Nhật là một giấc mơ mà chúng tôi đang thúc đẩy với mong muốn anh em người Việt ở cùng với nhau, lại cùng làm việc trong một số lĩnh vực nên có thể chia sẻ được nhiều thứ. Điều đầu tiên có thể thấy đó là khắc phục được tình tình trạng xa nhà.
Thực ra mọi người xa nhà nhiều rồi dần sẽ quen, có anh em chia sẻ với nhau thì sẽ đỡ hơn rất nhiều. Rikkei Japan có một khu ký túc xá cho tất cả các anh em, ở đó anh em vui lắm, cùng nấu ăn đồ Việt, cùng liên hoan cuối tuần.
Bên cạnh đó, Rikkei Japan còn có giải bóng bàn, giải cầu lông để gắn kết tinh thành anh em. Việc xây dựng làng Việt tại Nhật như vậy không chỉ giải quyết về nơi ăn chốn ở mà còn thiết thực trong việc giải quyết vấn đề về tinh thần, tạo cơ hội cho anh em giao lưu, tiếp xúc với cộng đồng đồng hương.
Theo kế hoạch, Rikkei Japan sắp tới sẽ mở thêm quán cafe và có thể là nhà hàng kiểu Việt Nam để làm phong phú hơn làng Việt tại Nhật. Khi làng Việt tại Nhật đông người lên thì sẽ có nhiều ý tưởng được thực hiện hơn.
Một trong những điều đáng tự hào là Rikkei Japan có tài trợ cho một tuyển tập khoa học của người Việt tại Nhật. Tuyển tập có nhiều công trình nghiên cứu học thuật, công nghệ lõi mà các giáo sư người Việt đang nghiên cứu tại Nhật. Hay như Rikkei Japan cũng góp phần đóng góp để tổ chức ngày Vietnam Summit in Japan định kỳ, quy tụ hàng nghìn người con Việt nam ưu tú đang sống tại Nhật.
Xa hơn, chúng tôi hiện hợp tác với hiệp hội các giáo sư người Việt tại các trường danh giá tại Nhật, rồi hiệp hội các chuyên viên trình độ cao làm việc tại các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia ở Nhật. Anh em cùng ngồi lại với nhau để xem thế hệ này, cộng đồng này có thể cùng chung tay làm được gì đó có ích cho đất nước hay không.
Rikkei Japan muốn cho người Nhật thấy là Việt Nam cùng có những cộng đồng lớn, có tri thức lớn, làm việc tại Nhật và góp sức tạo ra giá trị cho Việt Nam – Nhật Bản. Khi đó, người Nhật nhìn vào cũng gọi là nể người Việt hơn.
(Theo Nhịp sống thị trường/CafeF)