Theo công bố của Đại học Quốc gia Hà Nội, các đợt thi được tổ chức tại 6 tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An.
Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17, tăng 2 điểm thi so với năm 2022.
Về lịch thi, cả 8 đợt thi đều được tổ chức vào cuối tuần, từ 10/3 đến 4/6, nhằm thuận tiện cho thí sinh di chuyển.
Thí sinh bắt đầu đăng ký từ 6/2 cho các đợt thi tháng 3-4, đến 18/3 đăng ký cho các đợt tháng 5-6. So với năm 2022, thời điểm kết thúc đợt thi cuối của năm nay sớm hơn 1,5 tháng.
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến phục vụ 86.000 lượt thí sinh, trong đó hai đợt thi vào giữa và cuối tháng 5 đông nhất, mỗi đợt 15.000 thí sinh.
Bài thi đánh giá năng lực được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm, gồm ba phần Toán, Văn học – Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên – xã hội, mỗi phần 50 câu hỏi.
Về thời gian làm bài, riêng Toán diễn ra trong 75 phút, còn lại 60 phút, tổng 195-199 phút. Thí sinh thi trên máy tính và nhận giấy chứng nhận kết quả sau 14 ngày.
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội giới hạn số lượt đăng ký thi đánh giá năng lực của thí sinh. Mỗi người được thi tối đa hai lần, cách nhau ít nhất 28 ngày.
“Việc này xuất phát từ thực tế hơn 20.000 thí sinh dự thi trên hai lần trong năm 2022, nhưng điểm không đổi, gây lãng phí và ảnh hưởng đến các thí sinh khác”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
Lệ thí thi đánh giá năng lực 2023 là 500.000 đồng một lượt thi, tăng 200.000 đồng so với năm ngoái.
Lý giải việc này, ông Thảo cho biết, chi phí thực tế để tổ chức thi dao động 586.000-625.000 đồng/lượt thi/ thí sinh.
Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ 50% lệ phí, nên mỗi thí sinh chỉ nộp 300.000 đồng/lượt.