Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình đã thành công tốt đẹp. Thông qua hội nghị, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới là một đất nước nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa – thiên nhiên và giá trị truyền thống vì sự phát triển bền vững. Việc tổ chức hội nghị tại Ninh Bình cũng đã góp phần quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh; khẳng định tỉnh Ninh Bình đã, đang và sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững.
Tại hội nghị, tham luận trong các phiên thảo luận chuyên đề, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Quần thể danh thắng Tràng An là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh, là niềm tự hào không chỉ riêng của người dân Ninh Bình mà còn là của Việt Nam. Để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá, giữ gìn bản sắc văn hóa, phục vụ phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản như: Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa, Quyết định số 230/ QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình; Nghị định số 109/2017/NĐCP ngày 21/9/2017 của Chính phủ về quy định quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên, thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới.
Sau 9 năm kể từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới năm 2014, đến nay, Tràng An luôn được đánh giá đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, du lịch có trách nhiệm được lựa chọn làm mô hình phát triển với sự tham gia của 3 trụ cột: Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân. Tỉnh Ninh Bình cũng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và thách thức của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, từ đó xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO.
Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình luôn tự hào khi được bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu ghi nhận, khẳng định tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 6/9/2022: “… Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên. Nơi đây đã trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản…”.
Tuy nhiên, tỉnh Ninh Bình cũng nhận định rõ một số khó khăn, thách thức phải đối mặt của Di sản Tràng An để phát triển một cách bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong khu vực và quốc tế. Đó là việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các hoạt động du lịch vẫn đặt ra trước mắt. Số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu Di sản tăng nhanh kéo theo nhu cầu cao về lưu trú du lịch, đặc biệt ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ. Loại hình cơ sở lưu trú dạng homestay tự phát tăng nhanh, chủ yếu tập trung trong vùng lõi của Di sản.
Cùng với đó, công tác quản lý đất đai, các hoạt động xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, sử dụng tài nguyên du lịch trong khu di sản chưa nghiêm, có vi phạm kéo dài chưa xử lý triệt để. Công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu về văn hóa, đa dạng sinh học còn ít, chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về các giá trị của di sản. Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường chưa tương xứng với vị thế và tầm vóc của di sản. Các dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch trong khu Di sản triển khai còn chậm. Sản phẩm du lịch trong khu Di sản còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu các chương trình du lịch chuyên sâu về khảo cổ học, khám phá Di sản gắn với các giá trị, truyền thống văn hóa – lịch sử về vùng đất Cố đô Hoa Lư.
Theo PGS.TS Lê Thanh Bình, nguyên Vụ trưởng, Trưởng khoa, Học viện Ngoại giao, hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt-Nhật, giảng viên cao cấp Khoa Quốc tế học, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, người có nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu về các danh hiệu UNESCO tại Việt Nam và tỉnh Ninh Bình, Ninh Bình được ví như một Việt Nam thu nhỏ với cảnh quan đa dạng về rừng, núi, sông, biển, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch quốc gia và di sản văn hóa thế giới. Nơi đây nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và di sản, bao gồm Quần thể di sản thế giới Tràng An, Khu dự trữ sinh quyển ven biển Kim Sơn – Cồn Nổi, khu Ramsar thế giới – đầm Vân Long…
Trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An gồm 3 bộ phận hợp thành “Giá trị nổi bật toàn cầu” là giá trị về địa chất địa mạo – cảnh quan, giá trị rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư và giá trị lịch sử – văn hóa. Kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, Ninh Bình đã đặt ra chiến lược rõ ràng để phát huy danh hiệu di sản được UNESCO vinh danh, trước hết phục vụ mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với các giải pháp đồng bộ, du lịch Ninh Bình đã phục hồi mạnh mẽ. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 101 nghìn khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng khách đến Ninh Bình đã đạt 4,53 triệu lượt, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 224 nghìn khách quốc tế. Ninh Bình tiếp tục được nhiều chuyên trang báo mạng truyền thông du lịch uy tín như TripAdvisor, Telegraph, Business Insider, The Travel và tạp chí Forbes đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Gần đây, Ninh Bình còn được vinh danh trong giải thưởng thường niên do Booking.com tổ chức nhằm tôn vinh các điểm đến và cơ sở lưu trú trên toàn thế giới, khi lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới, đóng góp vào việc thúc đẩy du lịch bền vững.
Với sự ưu đãi đó, PGS.TS Lê Thanh Bình cho rằng, tỉnh Ninh Bình nên có chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh, lịch sử – văn hóa địa phương (gồm cả di sản, danh thắng, du lịch…) tầm lâu dài, gắn với chiến lược tổng thể phát triển bền vững địa phương để điều phối thích hợp, kịp thời. Như học tập nước Ý và các nước khác, Ninh Bình có thể chọn một số làng đẹp, có lịch sử văn hóa hấp dẫn, có đặc sản ẩm thực, thể thao-võ thuật… để xây dựng thành kiểu “cổ trấn”, từ đó thu hút khách du lịch thập phương.
Cùng với đó, Ninh Bình nên tìm hiểu kinh nghiệm các địa phương, các nước đi trước để áp dụng công nghệ truyền thông hiện đại, số hóa một số công đoạn, công việc, ví dụ tăng cường thông tin, truyền thông trên các báo điện tử, mạng Internet, liên kết với các đơn vị truyền thông trong, ngoài nước để quảng bá di sản văn hóa địa phương, nhất là di sản được UNESCO tôn vinh, di sản cấp quốc gia… bằng các nền tảng công nghệ mới, phong phú, hấp dẫn, qua đó thiết thực quảng bá nét đẹp của quê hương…
Có thể nói, hình ảnh và thương hiệu du lịch của các khu, điểm du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An tại Ninh Bình ngày càng được khẳng định. Danh hiệu Di sản của UNESCO đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định được vị trí du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Hoạt động phát huy các giá trị Di sản gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh trong Quần thể danh thắng Tràng An được thực hiện khá tốt, thể hiện qua sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động sinh kế có liên quan đến dịch vụ du lịch, phát huy giá trị của Di sản.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, khoa học và có hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, hoàn thiện các mô hình, cơ chế, chính sách trong thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các danh hiệu UNESCO gắn với phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xuyên suốt của tỉnh.
Mỹ Hạnh