Xác định bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Nam Định đã có bước đi, lộ trình phù hợp hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, qua đó tạo cơ hội để nhân dân tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh tặng thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. |
BHXH tỉnh thường xuyên xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đối với các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube; tổ chức chương trình livestream các chính sách BHXH, BHYT trên trang fanpage Facebook “BaohiemxahoitinhNamDinh”. Từ năm 2018 đến nay, fanpage đã đăng tải hơn 1.000 tin, bài, ảnh, video, infographic với 1,5 triệu lượt truy cập, theo dõi. Bên cạnh đó, từ nhiều năm qua, BHXH tỉnh phối hợp ký kết, xây dựng kế hoạch tuyên truyền với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền về lĩnh vực bảo hiểm. Hàng năm, BHXH tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho hàng nghìn hội viên của thành phố và các huyện; phối hợp với Bưu điện huyện, thành phố tổ chức hàng trăm hội nghị phát triển BHXH tự nguyện; phối hợp với Sở Y tế, Sở GD và ĐT cùng các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của Luật BHYT đối với học sinh, sinh viên.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tham gia và thụ hưởng kịp thời các chế độ chính sách, BHXH tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành. Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư mọi nguồn lực tối ưu thực hiện đề án. Theo đó, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan để liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; cập nhật, bổ sung mã số định danh cá nhân, căn cước công dân (CCCD) của người tham gia trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý; cài đặt, phê duyệt, sử dụng ứng dụng “VssID – BHXH số” để từng bước sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT. Đến nay, toàn tỉnh có 284/284 cơ sở khám chữa bệnh BHYT tiếp đón bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD; đã đồng bộ trên 1,4 triệu số thẻ CCCD với thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 88,16%; có trên 318 nghìn lượt người đi khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD được hệ thống ghi nhận. Với các giải pháp đồng bộ, hết tháng 4-2023, toàn tỉnh có 1.682.388 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,62% dân số.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả để phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT. Huyện Hải Hậu xây dựng mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT – vì sức khỏe gia đình” với 832 nhóm tại 34 xã, thị trấn với trên 11 nghìn hội viên. Các nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT được thành lập với số lượng thành viên từ 6-12 người, mức tiết kiệm đóng góp từ 100-200 nghìn đồng/người/tháng. Từ hiệu quả của mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua BHYT – vì sức khỏe gia đình”, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện vận động hội viên và nhân dân mua trên 29 nghìn thẻ BHYT thông qua tổ chức hội, qua đó đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn khi ốm đau, bệnh tật. Tại huyện Trực Ninh, BHXH huyện làm tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng quản lý đối tượng, giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của các đối tượng tham gia; trong đó tập trung giải quyết những tồn đọng, vướng mắc, những đề xuất, kiến nghị về chế độ chính sách, tạo lòng tin của cán bộ, người lao động và nhân dân đối với BHXH, BHYT, BHTN. Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT trở thành giải pháp cơ bản, lâu dài trong việc quản lý, theo dõi và thực hiện chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chính xác, công bằng về quyền lợi cho người tham gia. Từ đầu năm đến nay, BHXH huyện Trực Ninh đã thực hiện cấp 743 sổ BHXH; cấp mới, cấp lại 2.000 tờ rời ghi nhận quá trình công tác của người tham gia BHXH, BHYT; cấp và gia hạn 43.863 thẻ BHYT.
Đồng chí Trần Văn Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ sở tăng sẽ tác động đến mức đóng, hưởng đối với người tham gia BHXH, BHYT, khi mức đóng tăng thì quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT cũng được tăng lên. Như vậy, từ ngày 1-7, người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh đúng quy định của Luật BHYT có chi phí một lần dưới 270 nghìn đồng thì được BHYT chi trả 100%. Nếu toàn bộ thành viên trong gia đình đều tham gia BHYT thì việc giảm trừ mức đóng được thực hiện khi các thành viên hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. Mức đóng BHYT của người thứ nhất là 4,5% nhân với mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng) tương ứng với 12 tháng là 972 nghìn đồng, người thứ hai 70% là 680.400 đồng, người thứ ba 60% là 583.200 đồng, người thứ tư 50% là 486.000 đồng, từ người thứ năm trở đi là 388.800 đồng… Để thực hiện hiệu quả mục tiêu BHYT toàn dân, thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, BHTN nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giúp người dân thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ quy trình giám định trong công tác khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo đúng chế độ chính sách, đúng đối tượng và quyền lợi cho người tham gia khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế./.
Bài và ảnh: Viết Dư