Nâng cao chất lượng cũng như giá trị cộng đồng góp phần giúp du lịch Vĩnh Long thu hút và giữ chân du khách. |
Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia, Việt Nam có 14 đơn vị đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023.
Ở hạng mục giải thưởng Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), cụm homestay xã An Bình của tỉnh gồm 6 đơn vị liên kết đã vinh dự đạt giải thưởng, khẳng định chất lượng của thương hiệu “homestay Vĩnh Long”.
Định vị thương hiệu “homestay Vĩnh Long”
Cụm homestay đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023 của tỉnh Vĩnh Long gồm các đơn vị Út Thủy, Sáu Thành, Năm Thành, Ba Lình, Ngọc Phượng, Ngọc Sang. Đây là những đơn vị có bề dày hình thành, xây dựng và phát triển thương hiệu tại cù lao An Bình.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Võ Trung Sơn, địa phương có loại hình du lịch sinh thái được hình thành từ những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ XX tại các xã cù lao An Bình. Nhờ điều kiện tự nhiên thiên nhiên ưu đãi, các xã cù lao này có tiềm năng du lịch phong phú, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp, di tích lịch sử văn hóa tâm linh, làng nghề và ẩm thực nghỉ dưỡng…
Qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay các xã cù lao của huyện đã có hơn 20 homestay phục vụ du khách. Trong đó có 9 homestay đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN giai đoạn 2017-2019; 2019-2021 và năm 2023.
Là homestay đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN đầu tiên của khu vực ĐBSCL, Út Trinh Homestay được đầu tư phát triển chỉn chu, bài bản với những chương trình trải nghiệm hấp dẫn. Bà Phạm Thị Ngọc Trinh- chủ cơ sở Út Trinh Homestay chia sẻ, cơ sở đã tạo sự khác biệt so với những đơn vị khác và cải biên các chương trình, sản phẩm du lịch.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL Phan Văn Giàu, trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, du lịch Vĩnh Long nói chung, loại hình du lịch homestay nói riêng đã khẳng định vị trí trong cơ cấu kinh tế dịch vụ của tỉnh và trong bản đồ du lịch của cả nước. Đặc biệt, cù lao An Bình là nơi khởi thủy loại hình du lịch homestay đã khẳng định được vị thế trọng tâm về du lịch, số lượt khách đến với các điểm homestay chiếm hơn 40% tổng lượt khách cả tỉnh.
“Có thể nói, Vĩnh Long là chiếc nôi của mô hình du lịch homestay khu vực ĐBSCL, từ sản phẩm du lịch của tỉnh đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều chương trình du lịch của các tỉnh trong khu vực. Đặc biệt hiện nay trong chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL, Vĩnh Long đã tham gia được tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa” với sản phẩm du lịch đặc trưng là tham quan, trải nghiệm homestay đạt chuẩn ASEAN, kết hợp thưởng thức đờn ca tài tử”- ông Phan Văn Giàu cho biết.
Nâng chất riêng, giữ chân du khách
Từ năm 2022 đến nay, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long từng bước phục hồi sau thời gian chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Năm 2022, các cơ sở du lịch thu hút hơn 1 triệu lượt khách (tăng 150% so với cùng kỳ 2021), doanh thu từ du lịch đạt 480 tỷ đồng (tăng 155% so với năm 2021). Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2030, cùng với cả nước, du lịch địa phương cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch Vĩnh Long đang tập trung thực hiện đề án về xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù với 4 sản phẩm du lịch là: du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa. Theo đó, tỉnh chú trọng xây dựng Đề án Di sản đương đại huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng mà chỉ Vĩnh Long mới có.
Ông Phan Văn Giàu cho biết thêm, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc thù để tạo nét riêng, thu hút du khách. Trên cơ sở đó, các homestay đã không ngừng cải tạo, chỉnh trang cơ sở khang trang, nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách.
“Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm quen thuộc như chèo xuồng trên sông, tham quan vườn trái cây, trải nghiệm các trò chơi dân gian miệt vườn thì các homestay cũng đã gắn kết loại hình hát bội tại đình làng vào các tour phục vụ du khách, đặc sắc nhất là sản phẩm “Đốt đuốc đi xem hát bội” tạo ra nét mới, nét độc đáo của du lịch Vĩnh Long, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước.
Sản phẩm này cũng đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đưa vào top 20 tour du lịch độc đáo mang lại trải nghiệm thú vị tại Việt Nam”- ông Phan Văn Giàu chia sẻ thêm.
Sản phẩm du lịch “Đốt đuốc đi xem hát bội” đã tạo ra nét mới, nét độc đáo của du lịch Vĩnh Long. |
Ngoài ra, để loại hình du lịch homestay ngày càng phát huy giá trị, giữ chân du khách, theo ông Lê Việt Hưng- đại diện Công ty Travelindochina Việt Nam, cho rằng sắp tới, loại hình du lịch homestay ở Vĩnh Long cần nâng cao chất lượng hơn nữa cũng như nâng cao giá trị về cộng đồng, môi trường và xã hội.
“Trong du lịch cộng đồng điều quan trọng nhất là mọi người phải cùng làm, không chỉ chủ homestay mà phải cộng đồng xung quanh cùng ý thức là cùng làm du lịch, giữ gìn môi trường sạch đẹp và an toàn. Vĩnh Long chọn phát triển loại hình homestay là một điểm hay, thời gian tới cũng nên chọn thêm loại hình du lịch trải nghiệm làng nghề thì khách sẽ rất thích.
Kết hợp 2 loại hình này sẽ tạo ra sự khác biệt so với các tỉnh, thành khác. Với tư cách là một đơn vị lữ hành, chúng tôi rất mong muốn sản phẩm du lịch của mỗi địa phương sẽ không giống nhau”- ông Hưng cho biết thêm.
Vĩnh Long vừa tổ chức lễ vinh danh các homestay đạt Giải thưởng Du lịch ASEAN và các hoạt động quảng bá du lịch các xã cù lao của huyện Long Hồ, theo Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL Phan Văn Giàu, sự kiện là dấu ấn quan trọng cho sự khẳng định thương hiệu của du lịch Vĩnh Long, đóng góp sản phẩm đặc trưng trong chuỗi liên kết phát triển du lịch 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh với sản phẩm “Đệ nhất homestay”. Đây là niềm tự hào của du lịch Vĩnh Long.
|
Bài, ảnh: KHÁNH DUY