Thời điểm này đang là vụ lúa hè – thu. Thế nhưng, ba cánh đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười với diện tích khoảng 50ha của thôn Hưng Trung, xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại đang trong tình trạng khô hạn. Nhìn từ trên cao, những cánh đồng này chỉ có một màu vàng úa.
Cánh đồng đang trơ gốc rạ của vụ lúa xuân trước.
Gia đình bà Nguyễn Thị Dịu (54 tuổi, trú thôn Hưng Trung) có 7 sào ruộng. Tuy vậy, hàng năm, gia đình bà chỉ sản xuất được một vụ lúa xuân nhờ thời tiết có mưa. Còn vụ hè – thu, gia đình bà không sản xuất được vì không có kênh dẫn nước về.
Mùa hè, nơi đây rơi vào tình trạng hạn hán, thiếu nước.
Không thể canh tác, người dân bỏ hoang đất ruộng sản xuất. Cánh đồng trở thành bãi chăn thả trâu bò.
Thiếu nước, vùng đất này trở nên khô cằn, nứt nẻ, cây cỏ héo khô.
Người dân địa phương điều khiển xe qua cánh đồng khô hạn.
Chỉ cách nhau ranh giới bằng một dòng kênh nhưng lại có hai cảnh tương phản. Phía bên trái, cánh đồng lúa vụ mới của xã Cẩm Thịnh đang tốt tươi, xanh mơn mởn. Thế nhưng, 50ha diện tích ruộng của ba cánh đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười của xã Cẩm Hưng lại có màu vàng úa, khô hạn.
Ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết, ba cánh đồng Cửa Trại, Khe Nẩy và Tháng Mười của thôn Hưng Trung là vùng “tử địa”, có độ dốc, không có hệ thống thủy lợi và phụ thuộc 100% vào… “nước trời”.
Vùng đất này chỉ cần một trận mưa đầu mùa, nước đục từ thượng nguồn đổ về bám lên, cây sẽ chết nhiều. Do đó, người dân không trồng được cây gì. Trước đây, người dân có chuyển đổi trồng khoai, ngô nhưng không hiệu quả nên phải bỏ.
“Nếu đầu tư dẫn nước sẽ lớn nhưng hiệu quả không cao, trong khi nguồn tài chính, xã và huyện đang ưu tiên cho những nơi khác quan trọng hơn”, ông Hoạt lý giải.