Ngày 7/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên đoàn doanh nghiệp Singapore (SBF) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore lần thứ 7 tại Hà Nội, với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác khu vực vì sự phát triển bền vững”.
Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, chưa bao giờ nền kinh tế trên thế giới và khu vực ASEAN phải ứng phó cùng một lúc với các thách thức đan xen. Cũng chưa bao giờ chứng kiến những nỗ lực quyết tâm cao của các nước nhằm khắc phục và vượt qua hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi phát triển kinh tế.
Trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là động lực tăng trưởng, đóng góp khoảng 39% vào GDP và 36% xuất khẩu toàn cầu. Riêng khu vực ASEAN dự báo tăng trưởng năm 2023 đạt 4,8%, gấp 7 lần tốc độ tăng trưởng của nhóm các nước phát triển. Singapore tiếp tục là một trong những đầu tàu dẫn dắt đổi mới sáng tạo khu vực.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Là nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng đáng kể bởi bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực; nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu,…
Trước tình hình đó, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đối sách thích ứng với diễn biến của tình hình; thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam được tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng phục hồi, các cân đối lớn nền kinh tế được bảo đảm.
VSIP là biểu tượng hợp tác Việt Nam – Singapore
Phó Thủ tướng đánh giá, 12 khu công nghiệp VSIP của Singapore tại 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả, trở thành biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Là nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam với hơn 3.200 dự án, 73,4 tỷ USD vốn đăng ký, các doanh nghiệp Singapore tham gia hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam và luôn nghiêm túc triển khai các dự án đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao.
Ngược lại, các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư sang Singapore gần 150 dự án, tổng mức đầu tư đăng ký gần 700 triệu USD, chủ yếu tập trung các lĩnh vực khoa học công nghệ.
Về thương mại, Singapore là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khu vực với tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt 9,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng khoảng 11,6% so với năm 2021.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai nước. Ông kiến nghị, doanh nghiệp hai nước cần chủ động tích cực hơn nữa; thực hiện đúng các cam kết đầu tư, đã nói là làm.
Với vai trò là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực, Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp của Singapore tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, các nguồn tài chính xanh.
Ông đề nghị hai bên mở rộng đầu tư hợp tác các lĩnh vực mà Singapore có kinh nghiệm, thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển; nhất là phát triển khu vực công nghiệp sinh thái gắn với đô thị sinh thái, tạo hệ sinh thái công nghiệp đô thị chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Mở rộng phạm vi hợp tác, phát huy vai trò hiệu quả khuôn khổ hợp tác, kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore và khuôn khổ đối tác kinh tế số, kinh tế xanh vừa được hai nước ký kết vào tháng 2/2023.
“Trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn đồng hành lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Singapore nói riêng triển khai đầu tư, kinh doanh thành công, lâu dài, bền vững tại Việt Nam. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Tan See Leng, Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công Thương Singapore, cho biết, thời gian qua, các công ty của Singapore cũng mở rộng đầu tư tại Việt Nam từ Nam đến Bắc, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Nền kinh tế toàn cầu đang có những biến động từ chuỗi cung ứng, với xu hướng chuyển sang bảo hộ thương mại. Do đó, chúng ta phải thích ứng, không chỉ số hóa mà còn phải đổi mới.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Singapore đã ký kết 12 biên bản ghi nhớ về bền vững, số hóa, dịch vụ tài chính và phát triển nhân sự nhằm đẩy mạnh cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Singapore cũng như khu vực.