Với mục tiêu phát huy lợi thế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng có lợi thế gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, xây dựng thương hiệu đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Rau, củ an toàn được xem là một trong những sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện Thiệu Hóa.
Là địa phương có truyền thống phát triển nông nghiệp, xã Định Hòa (Yên Định) đã rà soát, lựa chọn những sản phẩm lợi thế của địa phương như lúa gạo, ngô, rau, quả, thịt lợn, gà… để xây dựng kế hoạch phát triển, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm. Theo đó, xã đã khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền, đổi thửa, tích tụ tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đến nay, xã Định Hòa đã hình thành được cụm chăn nuôi tập trung quy mô lớn, diện tích 20 ha, với các trang trại chăn nuôi gà, lợn, hơn 20 ha sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, 17.000m2 nhà lưới sản xuất rau, củ, quả an toàn… Theo ông Vũ Hùng Thơm, Chủ tịch UBND xã Định Hòa: Đối với các sản phẩm lợi thế, xã đã chú trọng tập huấn, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP… để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, HTX của xã cũng tích cực tìm kiếm doanh nghiệp, thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm cho người dân.
Hiện nay, huyện Yên Định đang chú trọng phát triển các sản phẩm lợi thế như lúa gạo, rau, quả, bò thịt, bò sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, mía đường, cây ngô. Hầu hết, tại các xã, thị trấn đã hình thành được 60 vùng chuyên canh quy mô lớn sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, các khu trang trại tập trung quy mô lớn chăn nuôi gà, lợn ứng dụng công nghệ cao. Tại các vùng chuyên canh, huyện cũng đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định. Có thể nói, việc phát triển các sản phẩm lợi thế đã và đang góp phần quan trọng để nông nghiệp của huyện có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 153 triệu đồng/ha/năm.
Được biết, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rà soát, xác định các sản phẩm nông nghiệp lợi thế để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển nhân rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm được nhiều huyện lựa chọn xây dựng như lúa gạo, cây ăn quả, thịt lợn, gà, rau an toàn… Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Huyện có tới 42 ha và 103.000m2 nhà màng, nhà lưới trồng các loại dưa chuột baby, dưa Kim Hoàng Hậu… Đây chính là diện tích sản xuất rau an toàn tập trung lớn, quy hoạch sản xuất sản phẩm lợi thế, được huyện Thiệu Hóa lựa chọn để xây dựng sản phẩm OCOP. Từ đó, huyện đã chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến… để sản xuất; chú trọng xây dựng kênh phân phối, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài, ổn định. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, thuận lợi cho việc phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, việc thực hiện các giải pháp trong xây dựng các sản phẩm lợi thế ở các địa phương đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn như vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn tập trung; vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; vùng chăn nuôi tập trung; vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh… Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, các địa phương cần tập trung rà soát diện tích cây trồng kém hiệu quả, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng diện tích các loại cây trồng, các loại vật nuôi lợi thế theo kế hoạch, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn với sản phẩm ngành trồng trọt… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế, từ đó hình thành các chuỗi sản xuất bền vững.
Bài và ảnh: Lê Ngọc