Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, sự tham gia của Tổng Liên đoàn đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động là cần thiết, nhằm khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức đại diện cho người lao động.
Ngày 7-7, tại Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật tiến hành khảo sát thực tiễn thi hành Luật Nhà ở.
Trình bày báo cáo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ “chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động” theo quy định tại Điều 10 Hiến pháp 2013 và Điều 1 Luật Công đoàn 2012….
“Sự tham gia của Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động xét trong hiện tại và tương lai là cần thiết, nhằm khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức đại diện cho người lao động “trung tâm và lớn nhất” trong bối cảnh sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp cạnh tranh hoạt động với Công đoàn Việt Nam. Đây là hoạt động có tính chất kinh tế nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, không nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Theo kế hoạch, nếu được Quốc hội thông qua nội dung cho phép Tổng Liên đoàn trực tiếp tham gia đầu tư dự án nhà ở tại khu thiết chế công đoàn cho công nhân thuê như dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến đến năm 2030, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xây dựng các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân ở ít nhất tại 7 địa phương, gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến từ thực tiễn, lý luận để làm rõ nội dung này. Ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị và các ý kiến chất lượng, thực tiễn từ phía Tổng liên đoàn. Cơ quan này sẽ chắt lọc, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.