Vận động Nhân dân đồng thuận hiến đất để giải phóng mặt bằng, xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông trên địa bàn là Mô hình “Dân vận khéo” tại Lạc Dương. Từ đó, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cũng như công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Qua công tác dân vận, người dân Lạc Dương đã tích cực hiến đất để thi công các tuyến đường giao thông |
Huyện Lạc Dương hiện nay có tổng diện tích tự nhiên là 131.393,76 ha với dân số là hơn 7.684 hộ và 32.240 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 66,74%. Huyện ủy Lạc Dương xác định, cơ sở hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Chính vì vậy, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương đã chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác dân vận để huy động sức dân, phát huy nguồn lực, hiến đất, hiến cây, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Lạc Dương, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội các cấp tại địa phương đã xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa của việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Từ đó, để người dân hiểu và đồng thuận, tích cực đóng góp cho các dự án xây dựng giao thông trên địa bàn. Thực hiện nội dung “Dân vận khéo”, trước khi triển khai các dự án xây dựng công trình giao thông, các cơ quan, ban, ngành đã phối hợp với chính quyền các cấp tại địa phương tổ chức họp dân để thông báo chủ trương, quy mô đầu tư; xin ý kiến người dân về việc hiến đất xây dựng các công trình, nâng cấp đường giao thông; đồng thời, thông tin đến người dân kế hoạch triển khai thi công công trình. Cùng với đó, các Mô hình “Dân vận khéo” nơi đây cũng phối hợp phân công nhiệm vụ cho cán bộ tổ chức gặp gỡ trực tiếp các hộ dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của Nhân dân trước khi triển khai dự án; tổ chức niêm yết công khai các chủ trương, danh sách các hộ bị ảnh hưởng tại tổ dân phố, khu dân cư và UBND các xã, thị trấn để Nhân dân thuận tiện theo dõi, giám sát.
Cùng với đó, các cấp, các ngành liên quan tại địa phương cũng cử cán bộ, công chức nắm chắc các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của tỉnh, huyện liên quan đến chính sách hỗ trợ, đền bù đất đai, tài sản của Nhân dân để có cơ sở giải thích có lý, có tình khi người dân có những thắc mắc hoặc hiểu chưa đúng về các chủ trương, chính sách của cấp trên. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông tại địa phương cũng được tiến hành đồng bộ, chú trọng sử dụng nòng cốt là các hội viên, đoàn viên gương mẫu, cán bộ hưu trí, người có uy tín…
Công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần làm cho người dân ý được vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn nói riêng. Từ đó, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn. Nhiều dự án đã được triển khai với sự đồng tình, ủng hộ, thống nhất cao của người dân. Trong đó, có thể kể đến các công trình, dự án lớn tại địa phương như: Dự án Nâng cấp hệ thống đường và chống Nâng cấp hệ thống đường và chống sạt lở tuyến thị trấn Lạc Dương đi Đà Lạt; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường 19/5 thị trấn Lạc Dương; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Văn Lang, thị trấn Lạc Dương; Dự án Nâng cấp mở rộng đường tại xã Đạ Sar…
Theo thống kê của huyện Lạc Dương, từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với 37 hạng mục công trình dự án, trong đó có 17 dự án là vận động người dân hiến đất làm đường và 20 dự án thu hồi bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Qua đó, đã có 506 hộ dân hiến đất làm đường với tổng diện tích đạt khoảng 52.000 m; hỗ trợ giải phóng mặt bằng ảnh hưởng cho 240 hộ dân với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 200.000 mẻ, số tiền bồi thường hỗ trợ gần 60 tỷ đồng.
Đông chí Ya Ti Ong – Phó Bí thư Huyện ủy Lạc Dương cho biết, việc triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông tại địa phương không thể thực hiện được nếu không có sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Chính vì vậy, công tác dân vận có ý nghĩa rất quan trọng để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong Nhân dân; huy động sức dân, đóng góp cho sự phát triển quê hương. Thời gian tới, Huyện ủy Lạc Dương sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm các bước, quy trình công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng gắn với thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân trước khi triển khai dự án nhằm tạo sự đồng thuận của Nhân dân đối với công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng giao thông.