Mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội liệu có xa vời?
Theo Đề án của Bộ Xây dựng, đến năm 2023 đặt mục tiêu cụ thể sẽ hoàn thành 1 triệu nhà ở xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, riêng trong năm 2023, Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tổ chức rất nhiều hội thảo, để làm rõ những nút thắt về việc phát triển các dự án nhà ở xã hội. Từ đó, đưa ra các giải pháp tháo gỡ, khó khăn.
Trong các buổi hội thảo này, hầu hết các doanh nghiệp đều tỏ ra quan tâm tới các dự án nhà ở xã hội. Bất chấp sự kêu gọi của Chính phủ, Bộ Xây dựng trong việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cùng với sự đồng lòng của các doanh nghiệp, thế nhưng, tại nhiều địa phương vẫn đang tồn tại rất nhiều nút thắt, khiến nhiều dự án chờ mòn mỏi vẫn chưa được phê duyệt.
Đơn cử, mới đây, chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đã lên tiếng khá gay gắt, khi thành phố chậm trễ trả lời về vấn đề phê duyệt thủ tục triển khai 2 dự án nhà ở xã hội tại quận Hoàng Mai. Quá trình chậm trễ tới 300 ngày, tức là gần 1 năm.
Ngay sau lời “tố” của doanh nghiệp, UBND Hà Nội đã yêu cầu Sở Kế hoạch – Đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hỗ trợ nhà đầu tư.
Như vậy, có thể thấy rằng, thủ tục hành chính tại các địa phương đang là rào cản để phát triển nhà ở xã hội. Một số quan điểm cho rằng, nếu tình trạng này không được giải quyết, liệu mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030 có hoàn thành hay không, vẫn đang được bỏ ngỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: Trước đây, một số ý kiến cho rằng, một số doanh nghiệp “chê” nhà ở xã hội vì có lợi nhuận thấp, bị giới hạn 10% tổng giá trị dự án.
Ví dụ, một dự án có tổng giá trị đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, thì chủ đầu từ chỉ được phép lời 100 tỷ đồng. Việc giới hạn lợi nhuận này có mục đích không để giá nhà ở xã hội tăng quá cao. Thực tế cho thấy, việc giới hạn lợi nhuận, đã giúp nhà ở xã hội có giá rất rẻ, đa phần là dưới 20 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án có giá chỉ 10 triệu đồng/m2.
“Nếu so với các dự án nhà ở thương mại, tỷ suất lợi nhuận của các nhà ở xã hội chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/5 mà thôi”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, vấn đề doanh nghiệp “chê” nhà ở xã hội có lợi nhuận thấp là đúng, nhưng không phải là tất cả. Hiện có nhiều doanh nghiệp quan tâm tới phân khúc này, nhưng thủ tục quá phức tạp, kéo dài, khiến doanh nghiệp “nản”.
“Nói là được nhà nước hỗ trợ, dành nhiều ưu đãi, nhưng các địa phương chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ, Bộ Xây dựng là đơn vị đưa ra những chính sách phát triển, nhưng địa phương mới là nơi phê duyệt dự án có được xây dựng hay không lại đang tồn tại nhiều nút thắt”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, trình tự phê duyệt, đầu tư nhà ở xã hội không khác gì so với nhà ở thương mại, có khi còn phức tạp hơn. Trong khi lợi nhuận lại không bằng, đó chính là lý do vì sao các chủ đầu tư “ngại” rót vốn vào phân khúc này.
Các khó khăn đều phải được giải quyết có thời hạn
Về vấn đề này, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thừa nhận một số “điểm nghẽn” trong việc phát triển nhà ở xã hội. Một trong những “cục nghẽn” lớn nhất, đó là trình tự đầu tư, trình tự phê duyệt dự án còn chậm ở nhiều địa phương, do hệ thống pháp luật, quy định còn chồng chéo
Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục đầu tư, triển khai kéo dài. Và đặc biệt, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về nguồn vốn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan tới thủ tục phê duyệt dự án, cuối năm 2022, Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tổ công tác đã nắm bắt được những khó khăn về thủ tục phê duyệt dự án. Trong thẩm quyền, tổ công tác đang phối hợp với các bộ, ngành, và các địa phương để tìm ra giải pháp.
“Đặc biệt, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “than” trình tự phê duyệt dự án kéo dài, tổ công tác đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu giải pháp tháo gỡ”, ông Dũng nói.
Ông Vương Duy Dũng cho biết thêm, với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành, địa phương, tổ công tác đã đề nghị các đơn vị này tìm ra giải pháp. Ví dụ như vốn tín dụng, đã được Ngân hàng Nhà nước xem xét, hay trái phiếu đang được Bộ Tài chính nghiên cứu phương án “giải cứu”.
Nhấn mạnh về điều này, ông Dũng nói: “Tất cả các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương đều phải có phương án giải quyết và có thời hạn giải quyết. Thời hạn này, tùy thuộc vào từng lĩnh vực, nên không có chuyện các bộ, ngành, địa phương bỏ qua các khó khăn mà doanh nghiệp đã nêu”.
Với những vướng mắc vượt thẩm quyền của các bộ, ngành địa phương, tổ công tác đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét.
“Với sự quyết tâm, và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian vừa qua, tôi hy vọng việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, việc chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án kéo dài và ách tắc.
Nhắc lại Đề án của Bộ Xây dựng, đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, cả nước hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng cho rằng: “Người đứng đầu địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cá nhân. Các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư. Đồng thời phải có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư”.
Cũng theo ông Hà Quang Hưng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương. Trong đó, làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.
“Điều quan trọng là nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền. Các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, ông Hưng đề xuất.