Đường đến World Cup nữ 2023
Đầu năm 2022, đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu ấn tượng ở vòng chung kết Asian Cup 2022, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua đó, thầy trò HLV Mai Đức Chung giúp bóng đá nữ Việt Nam có lần đầu giành vé dự World Cup nữ 2023.
Ngay sau đó, VFF đã lên một kế hoạch bài bản để giúp đội tuyển nữ Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất. Trước hết, các lãnh đạo liên đoàn kêu gọi doanh nghiệp để lập quỹ phát triển bóng đá nữ có giá trị hàng chục tỉ đồng.
Nhờ nguồn đầu tư này, VFF vạch ra lộ trình bài bản, liên tục đưa đội tuyển nữ Việt Nam đi tập huấn nước ngoài. Ngay sau vòng loại đầu tiên Olympic Paris 2024, Huỳnh Như và các đồng đội được tập huấn ở Nhật Bản, hướng đến mục tiêu bảo vệ thành công tấm huy chương vàng SEA Games 32.
Tiếp theo đó, đội tuyển nữ Việt Nam được tập huấn ở châu Âu. Tại đây, các học trò HLV Mai Đức Chung có trận đấu tập với U.23 Ba Lan, giao hữu với đội bóng số 2 thế giới Đức và thu về những kết quả tích cực.
Chưa dừng lại, đội tuyển nữ Việt Nam còn đến New Zealand sớm nhất trong số các đội dự World Cup 2023. Tại đây, các cầu thủ có thời gian để thích nghi với điều kiện thời tiết, sân bãi… và thi đấu thêm 2 trận giao hữu với New Zealand và Tây Ban Nha.
Có thể nói, VFF đã tạo điều kiện tốt nhất để đội tuyển Việt Nam có lần đầu dự World Cup với sự tự tin cao nhất. Khi được gặp các đối thủ mạnh như Đức hay Tây Ban Nha, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ tìm ra phương án chiến thuật, nhân sự tối ưu cho những trận gặp Mỹ hay Hà Lan.
Định hướng cho tương lai
Trong danh sách dự World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam có 6 cầu thủ sinh sau năm 2000 là Lương Thị Thu Thương, Trần Thị Hải Linh, Ngân Thị Vạn Sự, Nguyễn Thị Thanh Nhã, Nguyễn Thị Thúy Hằng và Vũ Thị Hoa. Trong đó, chỉ có Hải Linh và Vũ Thị Hoa là những cái tên thực sự mới.
Những cầu thủ còn lại đã được gọi lên đội tuyển quốc gia vài năm qua. Điều đó cho thấy nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng cho đội tuyển nữ Việt Nam còn rất hạn chế. Tại các thành phố lớn, rất khó để phụ huynh cho con gái đi tập luyện đá bóng.
Việc tìm kiếm tuyển chọn đầu vào chủ yếu tại các tỉnh thành, các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Ở các địa phương, trình độ của HLV, chế độ đãi ngộ dành cho VĐV cũng còn rất hạn chế.
VFF hiểu rõ vấn đề này, nỗ lực đưa ra giải pháp và đã thực hiện trong vài năm qua, tiến hành hỗ trợ các CLB trong việc đào tạo trẻ ngay tại trung tâm của VFF. Cụ thể, VFF sẽ thuê chuyên gia Nhật Bản, tuyển chọn những VĐV chất lượng nhất ở các CLB cũng như địa phương.
Từ đó, VFF tiến hành đào tạo tập trung các VĐV đến năm 17 tuổi. Cách làm VFF cũng đạt hiệu quả nhất định. Nhờ mô hình này, bóng đá nữ Việt Nam có thêm một số cầu thủ chất lượng như Thanh Nhã, Hải Linh, Tuyết Ngân, Nhật Lan, Ngọc Trâm…
Tuy nhiên, đây không phải là phương án có thể duy trì dài lâu. Bởi lẽ, chỉ có số ít VĐV được đào tạo, có thể bỏ sót nhiều nhân tài. Nhiều VĐV tự do sau khi tốt nghiệp không có CLB sẽ về với gia đình. Đây cũng là một vấn đề với các VĐV nếu việc học văn hóa không được đảm bảo.
Bóng đá nam và nữ luôn có sự chênh lệch ở bất kỳ đâu trên thế giới. Tổng số tiền thưởng dành cho các đội ở World Cup nữ 2023 là 110 triệu USD, tăng 3 lần so với giải đấu năm 2019. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều, chỉ bằng 1/4 so với những gì các đồng nghiệp nam nhận ở World Cup 2022 tại Qatar là 440 triệu USD.
Nói vậy để hiểu rằng khó có thể đòi hỏi mức đãi ngộ của các cầu thủ nữ Việt Nam sánh ngang cầu thủ nam, vì giá trị thương mại của khác biệt của bóng đá 2 phái. Do vậy, chúng ta cần có sự đồng cảm cho VFF đã rất nỗ lực để đầu tư cho bóng đá nữ nhưng vẫn cần sự đồng hành mạnh mẽ hơn từ xã hội, doanh nghiệp.
Có thể coi World Cup 2023 là bước ngoặt đối với bóng đá nữ Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy VFF đầu tư hiệu quả. Sau đó, với việc xuất hiện ở đấu trường danh giá nhất thế giới, bóng đá nữ Việt Nam sẽ thu hút thêm sự chú ý, tạo nhiều hiệu ứng tích cực để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.