I. 30 NĂM QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ ĐƯỢC UNESCO VINH DANH LÀ DI SẢN THẾ GIỚI (1993-2023)
Trong hơn 300 năm (1636-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1636-1775), là Kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1801), rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới thời 13 triều vua Nguyễn (1802-1945). Với tư cách là Kinh đô, Phú Xuân – Huế là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu các luồng văn minh nhân loại. Trong các cố đô của Việt Nam, Huế là cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, với những di sản văn hóa phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên và những biến động của lịch sử, kho tàng di sản ấy đã bị tàn phá rất nặng nề. Gần 2/3 số công trình nằm trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trở thành phế tích; số còn tồn tại cũng ở trong tình trạng bị hư hại nghiêm trọng. Các di sản phi vật thể cũng bị mai một, thất tán. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt; các hình thức diễn xướng cung đình tản mát và dần đi vào đời sống dân gian.
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Ảnh: Chinhphu.vn
1. Công tác phục hồi, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Cố đô Huế trước khi được UNESCO vinh danh
Xác định rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, mặc dù còn nhiều khó khăn chồng chất do phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, thiên tai, Đảng và Nhà nước đã tập trung cho công tác bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa, trong đó có Quần thể di tích cố đô Huế và các di sản văn hóa phi vật thể.
Tháng 5-1976, UBND Cách mạng Bình Trị Thiên ban hành quyết định xác nhận tạm thời các cơ sở văn hóa công cộng, ghi tên 35 di tích danh thắng trên địa bàn. Năm 1979, 4 di tích Hoàng Thành – Đại Nội, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định đã được đặc cách công nhận là di tích cấp quốc gia.
Năm 1981, Tổng Giám đốc UNESCO phát lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế; tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện những chiến lược và quyết sách mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với những định hướng cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Năm 1982, thành lập Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế (10 năm sau đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh), nhằm quản lý một cách toàn diện Quần thể di tích cố đô. Cho đến năm 1991, hầu hết di tích quan trọng đã được lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ (căn cứ theo Pháp lệnh Bảo vệ di tích năm 1984).
2. 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới
Năm 1992, bộ hồ sơ khoa học mang tính tổng thể về di tích Cố đô Huế đã được thiết lập và trình lên Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO. Ngày 11-12-1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, không những nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới mà còn tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới; góp phần mở ra những triển vọng cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của các tài nguyên đặc biệt này.
Ngày 12-2-1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 105/TTg phê duyệt Đề án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996-2010. Ngày 25-8-2008, Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Huế thành một trong những trung tâm văn hóa du lịch lớn của cả nước.
Ngày 25-5-2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48-KL/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Ngày 17-6-2009, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 818/TTg phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Thừa Thiên Huế triển khai bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản thế giới.
Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung. Tinh hoa của Huế tưởng chừng bị mai một đã dần dần sống lại trong sinh hoạt cộng đồng, trong nếp nghĩ và việc làm hàng ngày của người dân Huế. Từ đó, khôi phục lại diện mạo ban đầu và nâng lên tầm cao mới những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một kinh đô lịch sử, tạo niềm tin to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa – du lịch, góp phần mở rộng giao lưu và hội nhập vào đời sống của văn hóa cộng đồng Việt Nam.
Trong đó, việc định hướng giá trị di sản văn hóa Huế và tác động của nó đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế ngày một rõ ràng và hiệu quả hơn. Hình ảnh di sản văn hóa Huế trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững ngày càng rõ nét, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, phục vụ phát triển du lịch, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân và đặc biệt là chiếm được cảm tình của du khách trong nước cũng như bạn bè trên khắp thế giới.
Tiết mục nghệ thuật tái hiện quá trình xây dựng Kinh đô Huế. Ảnh: VietnamPlus
Đến nay, đã có hơn 200 công trình được tu bổ, phục dựng. Các di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo đều bảo đảm nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và quốc tế. Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ cho công tác quản lý và bảo tồn di sản, một số công trình nghiên cứu đã đạt các giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật và công nghệ.
Trong 30 năm qua, có hơn 100 đầu sách nghiên cứu về Huế được xuất bản; hơn 80 hồ sơ khoa học về di tích được xây dựng phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn di tích. Nhiều hồ sơ di tích được đệ trình lên các cấp để công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác quốc tế, hàng chục dự án nghiên cứu khoa học, bảo tồn trùng tu và đào tạo nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện.
Việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản được chuyên môn hóa. Cơ sở hạ tầng các khu di tích như hệ thống đường, điện chiếu sáng đã dần được nâng cấp; hệ thống sân vườn, cảnh quan di tích, hệ thống phòng, chống hỏa, chống sét… cơ bản được tu bổ hoàn nguyên hoặc xây dựng hoàn thiện. Phần lớn các di tích chính đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thống sân vườn, cảnh quan và trồng cây bổ sung ở các khu vực đệm, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trục đường thành phố Huế, các trục đường trong Kinh Thành, đường đến một số điểm di tích. Bên cạnh đó, việc chỉnh trang, tôn tạo hai bên bờ sông Hương, nạo vét sông Ngự Hà và tu bổ kè Hộ Thành Hào… đã từng bước trả lại giá trị cảnh quan vốn có của Cố đô Huế.
Việc sưu tầm cổ vật triều Nguyễn cũng được quan tâm. Từ năm 2002 đến nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tiếp nhận gần 350 hiện vật từ các cá nhân trong và ngoài nước, làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của Bảo tàng và phục vụ công tác trưng bày, tăng sự hấp dẫn tại bảo tàng.
Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế quan tâm đẩy mạnh khai thác, phát huy các thế mạnh của di sản văn hóa để phát triển du lịch. Nhờ có chính sách quảng bá tốt, lượng khách du lịch đến Huế tăng nhanh qua các năm (không tính năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19) và nguồn thu cũng tăng lên. Chính nguồn doanh thu từ vé tham quan đã góp phần rất lớn cho việc tái đầu tư của công cuộc trùng tu di tích cũng như phục vụ đắc lực cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo tồn, trùng tu các di sản văn hóa của Cố đô Huế.
Việc phát triển du lịch đã làm thay đổi diện mạo và mang lại cho Huế nhiều cơ hội về phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cơ sở vật chất kĩ thuật được củng cố và tăng cường, đời sống người dân ngày được cải thiện.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế được tỉnh quan tâm đưa vào giáo dục trong trường học, để tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, niềm tự hào của mỗi người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Từ năm 2010 đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức hơn 300 buổi tham quan di tích lịch sử, di sản văn hóa 4 thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Từ đó, vun đắp, củng cố nền tảng, bản sắc văn hóa, sức mạnh dân tộc; khơi dậy lòng tự hào đất nước cho học sinh, sinh viên; khơi dậy khát vọng cống hiến vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Ngày 10-12-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, xác định Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 11-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Tiếp đó, ngày 20-10-2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và quy chế hoạt động của quỹ bảo tồn di sản Huế. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để Thừa Thiên Huế bảo tồn và phát huy di sản Huế trong thời kỳ mới.
Có thể nói, việc UNESCO công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới, đã đem lại một cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, chọn lọc bổ sung những yếu tố thích hợp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển. Di sản Huế đã trở thành một ví dụ tiêu biểu, xuất sắc cho chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam.
II. 20 NĂM NHÃ NHẠC – ÂM NHẠC CUNG ĐÌNH VIỆT NAM ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN LÀ KIỆT TÁC PHI VẬT THỂ VÀ TRUYỀN KHẨU CỦA NHÂN LOẠI (2003-2023)
1. Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam
Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nói chung và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng, là hạt nhân của bộ phận âm nhạc bác học cổ điển, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo, cũng như thể hiện bản sắc của văn hóa Việt Nam. Nhã nhạc (Âm nhạc cung đình) là một loại hình âm nhạc mang tính bác học, là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình.
Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc và loại hình âm nhạc này đã trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản… của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.
Nhã nhạc Huế – Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2003. Ảnh: VietnamPlus
Theo sách sử, Nhã nhạc ra đời vào triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào thời kỳ suy thoái. Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nửa đầu thế kỷ XIX, điều kiện xã hội đã cho phép âm nhạc cung đình phát triển trở lại. Các thể loại âm nhạc cung đình Huế bao gồm: nhạc lễ nghi thờ cúng và nhạc lễ nghi triều chính, múa cung đình, ca nhạc thính phòng và kịch hát (tuồng cung đình). Triều đình Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê.
Vào cuối thế kỷ XIX, khi đất nước lâm vào nạn ngoại xâm, vai trò của triều đình mờ dần, thì âm nhạc cung đình cùng các lễ nghi cũng giảm và mờ dần. Ngoài ra, triều đình cho du nhập dàn quân nhạc của phương Tây, làm cho vai trò của Nhã nhạc càng mờ nhạt thêm.
Sau năm 1945, Nhã nhạc đã mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần. Tuy đã được duy trì và phát triển qua cả nghìn năm, nhưng các tài liệu lịch sử về Nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về Nhã nhạc còn quá ít ỏi…
2. Công tác phục hồi, bảo tồn Nhã nhạc trước khi được UNESCO vinh danh
Từ sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thông tin và lãnh đạo tỉnh có nhiều chủ trương, quyết định để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này. Ngày 12-2-1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 105/TTg phê duyệt Dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế 1996-2010, trong đó xác định một trong những mục tiêu bảo tồn là bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế (nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình).
Năm 1992, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ra đời. Để đảm bảo có không gian diễn xướng tương ứng theo lịch sử, các công trình như Duyệt Thị Đường, Lương Khiêm Đường, Nam Giao, Thế Miếu được tu bổ. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến âm nhạc cung đình cũng được triển khai thực hiện.
Tháng 3-1994, tổ chức UNESCO phối hợp Bộ Văn hóa – Thông tin và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị quốc tế về bảo vệ và giữ gìn phục hồi văn hóa phi vật thể vùng Huế. Tiếp đó, nhiều dự án đào tạo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin, các quỹ của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản… tài trợ.
Những năm 1997-2000, JFAC tài trợ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm về Nhã nhạc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà quản lý và đào tạo đến từ nhiều nước. Cuối tháng 8-2002, phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Hội thảo Quốc tế về Âm nhạc cung đình Huế – Nhã nhạc, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản Nhã nhạc.
Bên cạnh đó, Nhà hát Truyền thống cung đình Huế bảo tồn được một số bản nhạc, đồng thời tiến hành biểu diễn phục vụ khách đến Huế tham quan, nghiên cứuvà tổ chức nhiều đợt tuyên 6 truyền, biểu diễn ở các nước châu Á, châu Âu; tham gia tích cực các chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ của Festival Huế 2000, 2002.
3. 20 năm Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới
Trung tuần tháng 8-2002, bộ hồ sơ Nhã nhạc đã được thực hiện và gửi đến UNESCO, đăng ký ứng cử vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại. Ngày 7-11-2003, Nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cùng 27 kiệt tác khác.
Năm 2004, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế đi biểu diễn Nhã nhạc cung đình tại các thành phố thuộc Cộng hòa Pháp và thủ đô Bruxelles (Bỉ). Trong đợt lưu diễn này, tại văn phòng UNESCO (Pháp), bằng chứng nhận Di sản Nhã nhạc Việt Nam là Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại đã được UNESCO trao cho Huế.
Nhã nhạc Huế – Âm nhạc cung đình Việt Nam được vinh danh là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2003. Ảnh: VietnamPlus
Sau khi Nhã nhạc được UNESCO vinh danh, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và lưu trữ các tài liệu liên quan đến Nhã nhạc đã được thực hiện và triển khai một cách bài bản; đã tham dự các khóa tập huấn đào tạo phương pháp luận về nghiên cứu, lưu trữ; trực tiếp tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tại các viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ quan trọng của Việt Nam; tham quan các làng nghề truyền thống ở miền Bắc và phỏng vấn các nghệ nhân nổi tiếng tại đây…
Công tác sưu tầm, lưu trữ các hồ sơ khoa học, các tài liệu liên quan đến Nhã nhạc được thực hiện nghiêm túc, xây dựng thành những hồ sơ khoa học. Công tác đào tạo nhạc công Nhã nhạc trẻ và tập huấn nâng cao kỹ năng biểu diễn Nhã nhạc đã được chú trọng. Các nghệ nhân có tên tuổi đã được mời để truyền dạy về các kỹ năng trình diễn và trao truyền các bí kíp nghề nghiệp.
Với mục đích nâng cao nhận thức trong công chúng về các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, công tác biểu diễn và quảng bá nhằm phát huy giá trị di sản Nhã nhạc cung đình Huế cũng được chú trọng. Nhã nhạc đã được tổ chức biểu diễn hàng ngày tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội – Huế) để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những giá trị di sản đặc sắc của Nhã nhạc. Bên cạnh đó, đã tổ chức nhiều đợt biểu diễn Nhã nhạc tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhân dịp các sự kiện lớn; tham gia các festival và chương trình giao lưu nghệ thuật tại một số quốc gia châu Âu và châu Á, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Đặc biệt, các tiết mục Nhã nhạc cũng góp phần làm nên thành công của các kỳ Festival Huế.
Các hoạt động nâng cao nhận thức của học sinh tại nhà trường cũng được quan tâm, thông qua các buổi nói chuyện có minh hoạ hình ảnh và tiết mục biểu diễn; tạo điều kiện cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia vào các buổi tập huấn về Nhã nhạc và các loại hình diễn xướng cung đình khác. Phối hợp tổ chức tọa đàm, tập huấn dành cho giáo viên một số trường tiểu học nhằm cung cấp kiến thức về Nhã nhạc và phương pháp giảng dạy âm nhạc truyền thống cho các giáo viên dạy nhạc, hướng dẫn giáo viên phương pháp để học sinh có thể lĩnh hội và cảm nhận được giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt đối với Nhã nhạc.
Các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc đã được tích cực tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước. Đã phối hợp các cơ quan truyền thông báo chí xây dựng các phim tài liệu, phim phóng sự ngắn để phát trên sóng truyền hình. Năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem Nhã nhạc cung đình Huế, gồm 3 mẫu và một tem khối giới thiệu tổng quan về Nhã nhạc cung đình.
Có thể thấy, sau 20 năm, việc bảo tồn, phát huy Nhã nhạc – Kiệt tác Di sản phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại tại Thừa Thiên Huế đã thu được những thành quả rất đáng tự hào. Không chỉ là vốn quý, tài sản của dân tộc, Nhã Nhạc còn là một trong những minh chứng điển hình, đại diện cho khu vực Đông Nam Á về loại hình âm nhạc cổ xưa còn sót lại.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY THỪA THIÊN HUẾ – TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ