Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, với mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM, luôn được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xem là nhiệm vụ quan trọng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhờ vậy tình hình sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với năng suất, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Điểm nổi bật là ngành đã triển khai thực hiện được nhiều chủ trương, chính sách nhằm đưa lĩnh vực nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng tập trung, phát huy được tiềm năng lợi thế của huyện, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất, khuyến khích phát triển hợp tác xã, các tổ hợp tác…
Lĩnh vực trồng trọt, việc cơ cấu cây trồng từng bước có sự chuyển dịch phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và thị trường tiêu thụ. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi được hơn 627ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng các loại cây trồng khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả có tính liên kết gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ như: mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mô hình sản xuất lúa theo hướng ngập khô xen kẻ, mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh, mô hình trồng bưởi Ruby xen ổi Ruby sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, mô hình dừa hữa cơ, mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP…
Qua quá trình chuyển đổi, bước đầu cho thấy thu nhập của người dân tăng từ 1,5 – 02 lần so với trồng lúa trước đây, giá trị sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/ha đất trồng trọt, điển hình như tại xã Phú Cần: nông dân Thạch Pho La ở ấp Đại Trường, 05 năm qua đã thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màn ứng dụng công nghệ cao sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt.
Ông Thạch Pho La cho biết: năm 2019 ông mạnh dạn chuyển đổi 1.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng dưa lưới công nghệ cao, trung bình mỗi năm ông trồng từ 04 – 05 vụ dưa lưới, sau khi trừ chi phí lợi nhuận ông thu được trên 150 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích và hiện gia đình ông cũng đang duy trì mô hình này.
Còn ở lĩnh vực chăn nuôi, ngành tập trung chỉ đạo chuyển đổi từ nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn; cơ cấu lại đàn vật nuôi, cải tiến chất lượng con giống, kỹ thuật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh được áp dụng mang lại hiệu quả, nhiều trang trại ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào chăn nuôi như áp dụng hệ thống chuồng kín, chuồng lạnh,…
Song song với việc tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì việc phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đến nay toàn huyện phát triển được 16 sản phẩm OCOP (tăng 14 sản phẩm so với năm 2020) góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tăng thu nhập cho người dân. Cũng từ Chương trình này đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thành các chỉ tiêu XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Theo đồng chí Trần Văn Quân, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trên cơ sở kế thừa những thành quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong thời gian qua và hướng đến mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ vi sinh, nông nghiệp sạch phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu xây dựng huyện Tiểu Cần đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024, ngành nông nghiệp đưa ra một số giải pháp trọng tâm đó là:
Tiếp tục triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên lĩnh vực nông nghiệp của huyện phù hợp yêu cầu hiện nay và quá trình đô thị hóa, trong đó có xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển các sản phẩm chủ lực trên địa bàn huyện để tranh thủ chính sách đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, Trung ương;
Triển khai thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng khâu chọn và nhân giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng phù hợp với địa phương; kết hợp nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh theo hướng an toàn VietGAP, GlobalGAP, chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với việc xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu và thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương…
Đồng chí Trần Văn Quân còn cho biết thêm: thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã đến doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, theo hướng không chỉ làm tốt các dịch vụ đầu vào cho thành viên mà còn phải tập trung tổ chức cho nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và kết nối thị trường. Tập trung phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, ngành cần phối hợp với các ngành, các cấp và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu về những thành quả mà NTM mang lại và người dân chính là đối tượng thụ hưởng, từ đó tạo chuyển biến từ trong nhận thức và hành động, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện đạt mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM nâng cao vào năm 2024.
Bài, ảnh: NGỌC DIỄM