Mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang nồng ấm trong những tháng gần đây. Chuyến thăm Trụ sở EU tại Brussels (Bỉ) vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly là minh chứng cho thái độ thiện chí và nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương, sau những căng thẳng thời kỳ hậu Brexit.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã đề cập tới các mối quan hệ nồng ấm hơn giữa nước này và Liên minh châu Âu (EU) trong chuyến thăm trụ sở của EU tại Brussels (Bỉ). (Ảnh TTX)
Phát biểu tại Trụ sở EU, Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly đề cập tới mối quan hệ tích cực hơn giữa Xứ sở Sương mù và EU, đồng thời cam kết duy trì quỹ đạo này. Nhà ngoại giao Anh nêu rõ, dù không chung quan điểm về mọi vấn đề, nhưng Anh và EU có thể giải quyết những khác biệt, tận dụng tối đa các khía cạnh mà hai bên đạt đồng thuận.
Chuyến công du của ông James Cleverly diễn ra ngay sau chuyến thăm Trụ sở EU tại Brussels của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt hồi tuần trước, phản ánh sự ấm lên của mối quan hệ giữa hai bờ Eo biển Manche.
Trong chuyến thăm của ông Jeremy Hunt, EU và Vương quốc Anh đã đạt được một thỏa thuận hợp tác về các dịch vụ tài chính. Giới chức EU nhận định, thỏa thuận này sẽ giúp các dịch vụ tài chính của Anh tái tham gia vào các cuộc thảo luận với EU, vì lợi ích của cả hai nền kinh tế.
Cuối tháng 2 vừa qua, hai bên đạt được bước tiến đột phá giúp giải quyết những tranh cãi dai dẳng thời kỳ hậu Brexit. Cụ thể, hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại mới mang tên Khuôn khổ Windsor, giúp cắt giảm các thủ tục trong trao đổi thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Khuôn khổ này cũng thiết lập làn xanh tại các cảng biển Ireland dành cho hàng hóa đến từ Vương quốc Anh lưu hành ở Bắc Ireland mà không chịu bất kỳ hạn chế thương mại nào, trong khi làn đỏ sẽ dành cho hàng hóa tiếp tục vào Ireland và thị trường EU.
Việc vận chuyển các loại hàng hóa như thuốc men, thực vật, xúc xích, bưu kiện giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng trở nên dễ dàng hơn. Tại lễ ký thỏa thuận lịch sử này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, Anh và EU là đối tác thân thiết, kề vai sát cánh trong hiện tại và tương lai.
Ở thời điểm Khuôn khổ Windsor ra đời, các chuyên gia kinh tế đều nhận định văn kiện lịch sử này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ giữa Anh và EU. Thực tế đến nay cho thấy, cả hai đều nhận được lợi ích từ khi quyết định chấm dứt những hiềm khích vốn phát sinh từ nhiều năm trước.
Đặc biệt, về phần nước Anh, mối quan hệ phát triển đúng hướng với EU mang lại những lợi ích kinh tế, trong bối cảnh Xứ sở Sương mù phải chật vật đối phó cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trầm trọng và khắc phục những thiệt hại từ Brexit. Dư luận nhận định, so với những người tiền nhiệm, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nỗ lực nhiều hơn để xây dựng các mối quan hệ hữu nghị với EU. Đây cũng là một dấu ấn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của chính trị gia này ở trong nước.
Lòng tin giữa Anh và các nước thành viên EU cũng dần được khôi phục. Tại Hội nghị cấp cao Anh-Pháp diễn ra ở Paris hồi tháng 3/2023, hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, góp phần củng cố quan hệ đồng minh để giải quyết các thách thức chung.
Trong bối cảnh những biến động địa chính trị đang ảnh hưởng mạnh đến tình hình kinh tế, an ninh khu vực, việc Anh và EU tạm gác lại câu chuyện Brexit mệt mỏi, dai dẳng để nêu cao tinh thần hợp tác giải quyết khác biệt, cùng đối mặt các thách thức chung là động thái được mong đợi.
TƯỜNG VY/BÁO NHÂN DÂN