Thông báo từ Copernicus của EU đánh dấu sự kiện mới nhất trong một loạt các kỷ lục mà con người đã chứng kiến trong một năm qua, như hạn hán ở Tây Ban Nha và các đợt nắng nóng gay gắt ở Trung Quốc và Mỹ.
“Tháng này là tháng 6 nóng nhất được ghi nhận với hơn 0,5 độ C so với mức trung bình từ năm 1991 đến 2020, vượt quá mức kỷ lục trước đó của tháng 6 năm 2019 – với biên độ đáng kể”, cơ quan giám sát của EU cho biết trong một tuyên bố từ đơn vị khí hậu C3S của mình.
Copernicus lưu ý rằng nhiệt độ đã đạt kỷ lục vào tháng 6 trên khắp tây bắc châu Âu trong khi một số vùng của Canada, Mỹ, Mexico, châu Á và miền đông Úc “ấm hơn đáng kể so với bình thường”.
Mặt khác, thời tiết mát mẻ hơn bình thường ở miền tây Úc, miền tây Mỹ và miền tây nước Nga.
Đây là kỷ lục mới nhất trong một loạt các kỷ lục về nhiệt trong những năm gần đây, phản ánh tác động của sự nóng lên toàn cầu do khí nhà kính thải ra từ hoạt động của con người.
Copernicus lưu ý rằng nhiệt độ bề mặt nước biển trên toàn cầu cao hơn bất kỳ tháng 6 nào trước đó được ghi nhận, với “những đợt nắng nóng cực độ trên biển” xung quanh CH Ireland, Anh và Baltic.
Băng biển ở Nam Cực đạt mức thấp nhất trong tháng 6 kể từ khi các quan sát vệ tinh bắt đầu, ở mức 17% dưới mức trung bình.
Nhà khoa học Julien Nicolas của C3S nói với AFP rằng kỷ lục tháng 6 chủ yếu là do “nhiệt độ bề mặt đại dương rất ấm” ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương do El Nino, một hiện tượng nóng lên định kỳ gây ra.
Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc, đã cảnh báo hôm thứ Hai rằng El Nino “sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ và gây ra nhiệt độ cực cao hơn ở nhiều nơi trên thế giới và trong đại dương”.
Ông kêu gọi các chính phủ “huy động các biện pháp chuẩn bị để hạn chế các tác động đối với sức khỏe, hệ sinh thái và nền kinh tế của chúng ta”.
Tại Mỹ, giới chức địa phương tuần trước cho biết ít nhất 13 người chết vì đợt nắng nóng khắc nghiệt ở Texas và Louisiana.
Trung Quốc đã ban hành cảnh báo nhiệt độ cao nhất cho các khu vực phía bắc của đất nước khi Bắc Kinh bị “đốt cháy” trong nhiệt độ khoảng 40 độ C.
Sau tháng 6 nóng kỷ lục ở Anh, các hạn chế sử dụng nước đã được áp đặt ở các vùng phía đông nam Anh và Scotland đặt các khu vực trong tình trạng báo động khan hiếm nước.
Thế giới đã ấm lên trung bình gần 1,2 độ C kể từ giữa những năm 1800, gây ra thời tiết khắc nghiệt bao gồm các đợt nắng nóng dữ dội hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn ở một số khu vực và các cơn bão dữ dội hơn do nước biển dâng.
Mai Anh (theo AFP, CNA)