Thông tin tại buổi trao đổi, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn cho biết, chợ Cầu Hai được đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 4,7 tỷ đồng gồm 42 kiot, 86 lô; giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng với 38 lô, 84 kiot.
Theo hợp đồng ký kết, các lô, kiot tại giai đoạn 1 sẽ hết hạn hợp đồng vào năm 2021; giai đoạn 2 hết hạn đấu lô vào năm 2030.
Ông Mẫn thông tin, ngôi chợ này hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước nên đây là tài sản công. Do vậy, khi hết thời hạn hợp đồng, theo quy định phải đấu giá lại các lô kinh doanh.
Nhiều tiểu thương tham dự buổi đối thoại bày tỏ tâm tư, nguyện vọng xung quanh việc kinh doanh tại đây. Nhu cầu của tiểu thương mong muốn được gia hạn hợp đồng các lô quầy; đối với các lô quầy hết hạn hợp đồng được tiếp tục kinh doanh sau khi đáp ứng yêu cầu về giá mà Nhà nước quy định.
Các ý kiến của tiểu thương cũng bày tỏ sự lo lắng nếu thực hiện đấu giá. “Tôi buôn bán ở chợ đã 45 năm. Từ thu nhập này đã nuôi sống gia đình. Nếu sắp tới đấu không trúng tôi không biết làm gì; tài sản, hàng hóa tồn kho không biết xử lý ra sao”, tiểu thương Nguyễn Thị Hoa nói.
Liên quan đến ý kiến của tiểu thương, lãnh đạo các sở, ngành thông tin thêm về Luật Đấu giá. Dù chia sẻ với ý kiến của tiểu thương, song, lãnh đạo các sở, ngành khẳng định, nguyện vọng của người dân không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Đối với tài sản công thì người dân ai cũng có quyền sử dụng, khi hết thời hạn sử dụng thì không thể gia hạn mà phải đưa ra đấu giá
Đề xuất phương án để hỗ trợ tiểu thương, lãnh đạo Sở Tài chính đề nghị chính quyền địa phương cần xây dựng phương án đấu giá cần xây dựng phù hợp; tạo điều kiện, có những ưu tiên nhất định cho tiểu thương đang kinh doanh đấu trúng. Ngoài ra, phương án về giá cũng phải phù hợp với thực trạng, cơ sở vật chất của lô quầy. Chỉ đấu những lô nào hết hạn. Trong trường hợp tiểu thương đang kinh doanh không đấu trúng cần có phương án hỗ trợ người dân.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 26/6, UBND huyện Phú Lộc cũng đã gặp gỡ, trao đổi nhiều nội dung. Qua lần đối thoại, UBND huyện đã tiếp thu ý kiến của tiểu thương. “Không có quy định kéo dài thời hạn hợp đồng nên buộc phải đấu giá. Trong quá trình đấu giá, chúng tôi sẽ có những ưu tiên, hỗ trợ các tiểu thương đang kinh doanh trúng đấu giá”, ông Phan Công Mẫn nói.
Trả lời các ý kiến của tiểu thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương thông tin, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 150 chợ. Khi các lô quầy hết hạn hợp đồng đều phải đấu giá.
Ông Phương tiếp thu và chia sẻ những tâm tư của tiểu thương, song, câu chuyện tại chợ Cầu Hai bắt buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Đó là phải đấu giá những lô, kiot đã hết thời hạn hợp đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương mong muốn tiểu thương chia sẻ cùng chính quyền địa phương, chấp hành theo các quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề đấu giá trong thời gian tới, ông Phương cho biết, chính quyền địa phương sẽ có những ràng buộc, tiêu chí đối với những người không có nhu cầu thực sự tham giá đấu giá. Đối với những lô quầy sắp hết hạn hợp đồng, chính quyền địa phương cần có thông báo sớm để tiểu thương có thời gian sắp xếp, bảo quản hàng hóa. “Trong phương án đấu giá, chính quyền địa phương cần có những ưu tiên cho tiểu thương đang kinh doanh tham gia đấu giá, đồng thời phải có những rào cản để ngăn chặn những đối tượng đầu cơ. Ngoài ra, huyện Phú Lộc cần có phương án hỗ trợ tiểu thương nếu không đấu trúng. Sau khi đấu giá cũng cần đầu tư, cải tạo lại các hạng mục hạ tầng đã xuống cấp”, ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.