Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng tới xây dựng Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với mục tiêu: Tất cả cán bộ chủ chốt 3 cấp; toàn thể đảng viên, cán bộ công chức, viên chức thực hiện CĐS theo chức năng nhiệm vụ, đặc thù công việc của mình; toàn dân được nâng cao nhận thức về CĐS để có thể tương tác với chính quyền trên nền tảng số và sử dụng các dịch vụ số do chính quyền và các doanh nghiệp cung cấp. Trong khi đó, CĐS là nhiệm vụ chưa có tiền lệ thực hiện; hầu hết các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân chưa biết nhiều và chưa hiểu rõ các nhiệm vụ, phần việc phải thực hiện. Vì vậy, để thực hiện công cuộc CĐS, trước tiên là chuyển đổi nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân. Xác định hàm lượng tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 50% nhiệm vụ trong suốt lộ trình CĐS, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền và đã đạt được những kết quả tích cực.
Cán bộ phường Văn Miếu (thành phố Nam Định) tham gia buổi tập huấn trực tuyến về chuyển đổi số do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức. |
Giai đoạn bước đầu đẩy mạnh CĐS, tỉnh thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hạn chế việc tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức theo phương thức truyền thống. Theo ước tính của Sở TT và TT, với số lượng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người dân toàn tỉnh, mỗi năm phải tổ chức tập huấn kiến thức về CĐS cho hàng chục nghìn người nên khó có thể tổ chức tuyên truyền theo phương thức truyền thống được. Khó khăn này được giải quyết bằng giải pháp sử dụng đa dạng hóa các kênh truyền thông trên các nền tảng, ứng dụng số thông minh như các website, các mạng xã hội Cốc Cốc, Zalo, Facebook, Youtube… nhằm khai thác những tính năng vượt trội, hiện đại, thuận tiện trong giao tiếp. Thông tin được chia sẻ nhanh chóng, không giới hạn và đặc biệt là tính năng tương tác, chia sẻ quan điểm, ý kiến cá nhân của người tham gia khiến các nền tảng số đã và đang thu hút một khối lượng lớn người sử dụng, trở thành một kênh truyền thông rất hiệu quả. Ngoài ra, xu hướng của độc giả hiện nay là cập nhật tin tức qua mạng bằng cách tiếp nhận những thông tin được đăng tải trên fanpage của các cơ quan, đơn vị hoặc vào những đường link được chia sẻ. Do đó việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước đang dần trở thành phổ biến, phù hợp với xu thế thời đại.
Theo đó, từ năm 2022, ngoài hình thức tổ chức hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức, triển khai nhiệm vụ thường kỳ theo hình thức truyền thống tại trụ sở UBND tỉnh, Sở TT và TT hay các sở, ngành thì còn được phát trực tiếp đến điểm cầu UBND cấp huyện, cấp xã; đồng thời được phát trực tiếp trên các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Youtube), nền tảng số quốc gia Cốc Cốc tại địa chỉ: Kênh mạng xã hội Facbook của Sở TT và TT, Kênh Youtube CĐS Nam Định; trang chủ Trình duyệt Cốc Cốc. Sở cũng đề xuất các sở, ngành, địa phương chia sẻ thời gian và địa chỉ truy cập để có thêm nhiều người tham gia. Bằng cách làm này, trong năm 2022, toàn tỉnh tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền phố biến kiến thức về CĐS (gắn với các lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử, ngành NN và PTNT, Y tế, Tổ công nghệ số cộng đồng) thông qua các nền tảng số và mạng xã hội với gần 50 nghìn lượt người tham gia các hội nghị CĐS trực tuyến, livestream. Tổng số lượng đại biểu tham dự trực tiếp tại các điểm cầu là 22.780 người, số lượng người tham dự trực tiếp trên nền tảng số Cốc Cốc, các nền tảng mạng xã hội khác là hơn 40 nghìn lượt người. Sở duy trì chuyên mục CĐS trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, chuyên trang của tỉnh về CĐS và Kênh AOzalo của Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thường xuyên cập nhật kịp thời các tin bài, văn bản, tài liệu về CĐS; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Cụ Trần Văn Tị, tổ dân phố số 1, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết: “Tôi đã nghỉ hưu nhiều năm nay nhưng được các cháu trong tổ Công nghệ số cộng đồng thông báo lịch và địa chỉ truy cập tài liệu, xem trực tuyến buổi triển khai nhiệm vụ CĐS năm 2023 của tỉnh do Sở TT và TT tổ chức, tôi rất phấn khởi. Nghe những kiến thức về CĐS được chuyên gia chia sẻ, tôi và nhiều người khác trong tổ hưu trí đều thấy rằng cách làm này thực sự hiệu quả, có tác dụng gấp nhiều lần cách làm truyền thống, lại tiết kiệm chi phí cũng như thúc đẩy phong trào toàn dân học tập, thích nghi với xu thế mới”.
Công tác tuyên truyền về CĐS được duy trì thường xuyên trên nền tảng số đảm bảo thông tin được truyền tải nhanh hơn, nhiều hơn, người dân dễ dàng tiếp cận, đã góp phần gia tăng tương tác, phản hồi của tổ chức, công dân trong quá trình thực hiện CĐS. Qua đây từng bước tạo sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào tiến trình thực hiện CĐS của tỉnh, lan toả mạnh mẽ chủ trương, chính sách, kế hoạch, chương trình CĐS của tỉnh đến người dân trong và ngoài tỉnh; là cơ sở để Sở TT và TT khẳng định quyết tâm trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ công tác tuyên truyền. Thời gian tới, Sở TT và TT tiếp tục thúc đẩy công tác ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới CĐS trong tuyên truyền thông qua việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng và các nền tảng số, tạo thuận lợi trong việc sử dụng nền tảng xã hội trong tuyên truyền; tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo để hỗ trợ công tác tư vấn, trợ giúp, giải đáp, đánh giá, phân tích trên không gian mạng về CĐS./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương