Bị địch bắt và ra sức dụ dỗ nhưng với khí tiết của người cộng sản, ông đã kiên quyết không khai báo tổ chức của mình, chấp nhận hy sinh trong nhà tù thực dân. Ông là Bí thư Tỉnh ủy Trần Hào, tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, sự kiên trung, bất khuất trong lịch sử phong trào cách mạng Phú Yên.
Nhà tưởng niệm liệt sĩ, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hào được nâng cấp, sửa chữa hồi tháng 10/2022, là một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: THÚY HẰNG |
Sớm tham gia cách mạng
Đồng chí Trần Hào sinh ngày 15/6/1913 tại làng Nho Lâm, tổng Hòa Tường, phủ Tuy Hòa (nay là xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa). Cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng, năm 14 tuổi, đang học sơ học, Trần Hào phải nghỉ học để chăm sóc 3 đứa em, đồng thời học nghề thuốc đông y và trở thành thầy lang chữa bệnh rất hiệu quả.
Trần Hào tham gia cách mạng khá sớm. Năm 1933, ông đứng ra lập Hội Sách báo và Hội Tương tế ở xã Hòa Quang; năm 1935, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ở Chi bộ La Hai, huyện Đồng Xuân.
Là một đảng viên trẻ hăng hái, dũng cảm, có nghề chữa bệnh, Trần Hào đi lại nhiều nơi trong tỉnh tuyên truyền cách mạng. Ông đã tổ chức cơ sở đảng ở các làng Phước Hậu, Nho Lâm, Hạnh Lâm, Long Tường, Phụng Tường, trực tiếp làm Bí thư Chi bộ Nho Lâm – Hạnh Lâm.
Các tổ chức đảng trong tỉnh sau một thời gian gặp khó khăn, đình trệ dần được khôi phục và phát triển. Nhà máy đường Đồng Bò, một xí nghiệp lớn của tư bản thực dân ở Phú Yên cũng tổ chức được chi bộ đảng. Tháng 11/1935, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập (lần thứ hai) tại làng Phước Hậu, xã Bình Kiến. Tại hội nghị này, Trần Hào được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Năm 1936, trong cao trào hoạt động của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, các tổ chức cách mạng hợp pháp và nửa hợp pháp phát triển mạnh. Tại Phú Yên, các tổ chức quần chúng do Tỉnh ủy lãnh đạo cũng phát triển rộng khắp.
Các Hội cày, Hội cấy, Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội Thanh niên dân chủ, Phụ nữ chức nghiệp, Gia đình học hiệu… hoạt động có hiệu quả. Hai nhà trí thức, nhân sĩ được Đảng bộ tỉnh giới thiệu ra tranh cử nghị sĩ Viện Dân biểu Trung Kỳ đã giành thắng lợi. Rất nhiều người đã ký tên vào Bản dân nguyện gửi cho phái bộ Godart từ Pháp sang Đông Dương tìm hiểu tình hình.
Cuối năm 1939 đầu năm 1940, Trần Hào vận động một số thanh niên ở các làng Phước Hậu, Liên Trì, Ninh Tịnh đứng ra thành lập các gia đình học hiệu, trường tư thục. Trong các cuộc tranh luận công khai, Trần Hào đã đánh bại các luận điệu tuyên truyền chống cách mạng của các nhóm chính trị đối lập với chủ trương của Đảng.
Bằng nhiều biện pháp hoạt động uyển chuyển, linh hoạt, Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã khơi dậy tinh thần yêu nước trong Nhân dân, đặc biệt là trong thanh niên. Ông trực tiếp lãnh đạo người dân các làng Tân Mỹ, Phước Thành, Mỹ Thạnh, xã Hòa Mỹ chống lại bọn lính của Nhà máy đường Đồng Bò đàn áp nông dân và công nhân ở đây.
Trần Hào đã cùng Tỉnh ủy khéo léo tổ chức các cơ sở kinh doanh vừa làm tài chính vừa làm nơi liên lạc của Đảng bộ và phát triển hoạt động cách mạng.
Hoạt động tích cực, có hiệu quả, năm 1937, Trần Hào được Xứ ủy Trung Kỳ bổ sung vào Ban Chấp hành Liên tỉnh ủy Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – Phú Yên.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ ở châu Âu, Mặt trận Bình dân Pháp sụp đổ, bọn phản động thực dân Pháp ở Đông Dương ráo riết đàn áp cách mạng, các tổ chức dân chủ bị xóa bỏ, báo chí tiến bộ bị đóng cửa. Ở Phú Yên, nhiều đảng viên nằm im.
Trần Hào vẫn giữ vững lòng tin, kiên trì vận động cách mạng, giữ liên lạc với các cơ sở cách mạng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh hợp pháp, chống áp bức bóc lột.
Các đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương (thứ hai từ trái qua); Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ ba từ trái qua); nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Quang (bìa phải) và ông Võ Thụy Linh, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham quan Nhà tưởng niệm liệt sĩ, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hào trong ngày cắt băng khánh thành. Ảnh: THÚY HẰNG |
Hy sinh, giữ tròn khí tiết người cộng sản
Ngày 1/5/1944, sau vụ rải truyền đơn nhân ngày Quốc tế Lao động tại phủ Tuy Hòa, Trần Hào bị địch bắt giam ở phủ Tuy Hòa rồi đem ra Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tra tấn nhưng ông vẫn giữ tròn khí tiết của người cộng sản, không khai báo và khuất phục kẻ thù. Ông còn chửi thẳng vào mặt kẻ thù và đã anh dũng hy sinh ngày 16/6/1944 tại nhà lao Quy Nhơn.
Sự hy sinh dũng cảm của Trần Hào đã làm cho đồng bào, đồng chí ở nhà lao Quy Nhơn và người dân Phú Yên hết lòng thương tiếc, kính phục ý chí kiên cường bất khuất của người cộng sản. Hay tin Trần Hào hy sinh, một chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm ở nhà lao Quy Nhơn đã làm bài thơ Vĩnh biệt anh:
Tiếng sét dội tim tôi tan vỡ
Khi hay tin tắt thở của bạn lòng
Anh Hào ơi! Bao uất hận bên trong,
Bao căm tức dâng lên đôi hàng lệ
Cả lao ngục Quy Nhơn cùng một thể
Dâng sóng lòng tràn ngập tiếng đau thương
Hò reo nhau, chung đứng lại một đường
Cùng chiến đấu diệt quân thù tàn ác.
Anh bị cướp bởi tử thần đói khát
Giơ cao tay đứng thẳng suốt đêm ngày
Những trận đòn như bão táp mưa bay
Thêm sức điện hai ngày và ba tối.
Nhưng anh vẫn một tinh thần cứng cỏi
Đem hy sinh khắc nổi nét tương lai
Ghi sâu lòng với tất cả những ai
Còn mê muội trong vòng xiềng đế quốc
Anh Hào ơi!
Thân xác anh tiêu tan thành tro đất
Nhưng tinh thần vẫn sáng tỏ với thời gian!
Vẫn sống còn với điệu nhạc dân gian
Của nhân thế trên ngọn cờ tranh đấu.
Quân phát xít tham tàn đầy tội lỗi
Uống máu thề ta chẳng đội trời chung
Nguyền nâng cao một tâm chí siêu hùng
Nơi cõi thọ, anh nở nụ cười thanh khiết.
Trong lời giới thiệu tập sách Liệt sĩ Trần Hào, đồng chí Thái Phụng Nê, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, viết: “Cuộc đời liệt sĩ Trần Hào luôn khắc sâu trong lòng đồng chí, đồng bào như một tấm gương trong sáng về đạo đức, phẩm chất và khí tiết của người đảng viên cộng sản, người cán bộ lãnh đạo tràn đầy nhiệt tình, năng nổ, dũng cảm và bất khuất…”.
Ghi nhận công lao và vai trò của Bí thư Tỉnh ủy Trần Hào đối với phong trào cách mạng ở Phú Yên, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xã Hòa Quang được chính quyền lúc bấy giờ đặt tên là xã Trần Hào. Năm 1990, đồng chí Trần Hào được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Ngôi nhà của ông đã được chính quyền địa phương xây lại thành nhà tưởng niệm và là di tích lịch sử của phong trào cách mạng địa phương.
Và hiện nay, Trường THCS xã Hòa Quang Nam được vinh dự mang tên Trần Hào – một cán bộ xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của Nhân dân Phú Yên.
TS ĐÀO NHẬT KIM