Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định thông tư sửa đổi, bổ sung Thông 01/2022 quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Dự thảo do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) chủ trì soạn thảo, với nhiều đề xuất mới liên quan đến giấy khai sinh, trích lục khai tử.
Giấy khai sinh, trích lục khai tử bản điện tử, kèm theo dự thảo thông tư của Bộ Tư pháp
Bổ sung chữ ký số trên giấy khai sinh điện tử
Theo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, từ ngày 17/4, cơ quan này phối hợp với các đơn vị triển khai thí điểm cấp giấy khai sinh và trích lục khai tử bản điện tử tại Hà Nội và Hà Nam. Việc thí điểm nhằm tiến tới triển khai rộng rãi trên toàn quốc, đáp ứng lộ trình thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Tuy nhiên, sau thời gian ngắn triển khai, ngoài những kết quả mang lại (thuận lợi cho liên thông thủ tục hành chính, giảm bớt thao tác nghiệp vụ cho công chức hộ tịch…), việc thí điểm có một số vướng mắc cần giải quyết.
Điển hình là các giấy khai sinh, trích lục khai tử bản điện tử khi được tạo lập không có chữ ký số của cơ quan cấp giấy tờ nên không có đủ thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, gây băn khoăn về giá trị pháp lý.
Bất cập này từng được Thanh Niên phản ánh trong bài viết Căn cước gắn chip chậm thành ‘chìa khóa vạn năng’. Theo đó, tại Hà Nội – một trong 2 địa phương được lựa chọn thí điểm, xảy ra chuyện Bộ Tư pháp triển khai cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử nhưng cơ quan công an cơ sở lại chưa đồng ý tiếp nhận với lý do không có dấu đỏ.
Một vấn đề khác cũng được cơ quan soạn thảo đề cập, thông tin khai sinh với đặc tính “động”, tức là có nhiều khả năng thay đổi sau khi đăng ký (thay đổi họ tên, cải chính hoặc bổ sung thông tin hộ tịch, xác định lại dân tộc…).
Vì vậy, giấy tờ hộ tịch bản điện tử sẽ chỉ ghi các thông tin cơ bản liên quan đến sự kiện hộ tịch của cá nhân. Ví dụ giấy khai sinh bản điện tử sẽ bao gồm các thông tin họ, chữ đệm, tên, số định danh của người được khai sinh, họ tên cha mẹ, nơi đăng ký khai sinh.
Trên bản điện tử, giấy tờ hộ tịch sẽ có một mã QR Code, là “chìa khóa” để cá nhân, cơ quan, tổ chức kết nối với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kiểm tra tính xác thực, đồng thời cung cấp được thông tin hộ tịch cập nhật theo thời gian thực khi giải quyết thủ tịch hành chính liên quan.
Kèm theo các đề xuất nêu trên, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có dự thảo các phụ lục chi tiết về biểu mẫu giấy khai sinh, trích lục khai tử bản điện tử, để thực hiện thống nhất trong trường hợp thông tư được ban hành.
Người dân làm thủ tục hành chính ở Hà Nội
Từ 10/7 sẽ triển khai trên toàn quốc
Hôm 30/6, tại Văn phòng Chính phủ, hơn 500 lãnh đạo, cán bộ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam và UBND một số tỉnh thành đã tham gia tập huấn nghiệp vụ triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông gồm “đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” và “đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng”.
Nội dung tập huấn tập trung vào hướng dẫn sử dụng phần mềm dịch vụ công liên thông như: hướng dẫn đăng nhập tài khoản dịch vụ công quốc gia (có thể đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử VNeID), tạo và nộp hồ sơ dịch vụ công liên thông, tra cứu hồ sơ.
Cùng đó là giới thiệu quy trình giải quyết liên thông điện tử đối với nhóm thủ tục hành chính “đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí” trên Cổng dịch vụ công quốc gia, quy trình tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi…
Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an cho hay, từ 10.7, 2 dịch vụ công liên thông nói trên sẽ được triển khai trên toàn quốc, giúp người dân giảm thời gian, chi phí đi làm, bởi chỉ cần thực hiện một lần nhưng giải quyết được 3 thủ tục hành chính kèm theo.
Theo quy định, thời hạn trả kết quả khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi mất 15 ngày. Tới đây, khi đã liên thông và thực hiện qua Cổng dịch vụ công, thời gian chỉ cần 2 ngày là xong cả 3 thủ tục./.
Theo Thanh niên