Sáng 4/4, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng” theo chỉ thị số Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương.
Theo báo cáo, kể từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện, tiếp cận, lập hồ sơ xử lý 6.502 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, giảm hơn 44,5% so với giai đoạn 2012-2016. Trong đó, xử lý hành chính 6.143 vụ; lập hồ sơ đề nghị xử lý hình sự 98 vụ/57 bị can.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo 4 vụ phức tạp về quản lý, bảo vệ rừng gồm: Vụ việc có dấu hiệu tội phạm thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng suy giảm rừng tại 4 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp (Chư Ma Lanh, Rừng Xanh, Ea H’Mơ, Ya Lốp); vụ án vi phạm quy định về bảo vệ rừng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar; 2 vụ án phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea sô.
Không chỉ vậy, cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm điểm phê bình đối với nhiều tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có trách nhiệm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Cụ thể, kiểm điểm, phê bình 1 Chủ tịch UBND huyện; khiển trách 1 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và 9 người đứng đầu các công ty lâm nghiệp để xảy ra vi phạm pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn quản lý (Chủ tịch, Giám đốc các công ty lâm nghiệp: Ea Wy, Buôn Ya Wầm, Buôn Wing, Ia Lốp, Krông Bông, M’Đrắk, Chư Phả, Thuận Mẫn, Lắk).
Cũng liên quan đến các vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cơ quan có thẩm quyền cũng buộc thôi việc 2 trường hợp; cảnh cáo 15 trường hợp; khiển trách 22 trường hợp.
Ngoài ra, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can, trong đó có Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty lâm nghiệp.
Tỉnh Đắk Lắk đã lập hồ sơ ranh giới địa chính đối với 13 công ty lâm nghiệp, hoàn thành 12/13 công ty, cắm 3.115 mốc giới, đo đạc bản đồ địa chính 173.378,4ha. Trong 5 năm qua, tỉnh đã trồng 12.405ha, khoanh nuôi 5.072 ha rừng tái sinh, thực hiện 1 dự án chuyển đổi rừng tự nhiên với diện tích 3,21ha, chuyển đổi 1 dự án gần 1ha rừng trồng thực hiện tái định cư.
Ngoài ra, từ năm 2015-2020, Đắk Lắk đã tổ chức 5 đợt kiểm tra liên ngành, 9 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của nhiều dự án nông, lâm nghiệp. Qua đó đã tiến hành thu hồi 9 dự án vi phạm pháp luật về đất đai, với diện tích hơn 5.571 ha và đang lập thủ tục thu hồi đất của 3 dự án, với diện tích hơn 1.002 ha.
Tại buổi làm việc, Ban thường vụ tỉnh uỷ Đắk Lắk đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Trung ương quan tâm giải quyết một số nội dung như: Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên; sớm bổ sung, hoàn thiện ban hành các cơ chế chính sách về quản lý đất đai, tài nguyên rừng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng, cải tạo rừng; ban hành tiêu chí đánh giá phân loại chất lượng rừng; nâng mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ phát triển rừng để người dân, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với nghề rừng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về rừng.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Đồng thời, cần có những đánh giá dự báo tình hình, nhận diện những thách thức và nguy cơ trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng…
Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, các nhiệm vụ để phát triển kinh tế lâm nghiệp đa mục tiêu, gắn giữa kinh tế với bảo tồn văn hoá, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh học, sinh thuỷ, Đắk Lắk cần tiếp tục phát huy và tận dụng tốt hơn nữa các thế mạnh của rừng để phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng. Giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ và toàn diện sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an ninh xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Khánh Ngọc