Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng vào năm 2022 do sự phục hồi của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong cấu trúc, có thể khiến nền kinh tế này đứng trước những rủi ro không nhỏ.
Đó là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) được công bố ngày 4/4.
Theo báo cáo này, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% năm 2023 và 6,8% năm 2024, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 4,5% năm 2023 trước khi giảm nhẹ xuống còn 4,2% trong năm 2024.
Trước tình hình này, ADB cho rằng Việt Nam sẽ phải xử lý những tồn tại trong lĩnh vực tài chính, bao gồm các khoản nợ xấu ngày một gia tăng. Đây là một thách thức đối với quốc gia trong bối cảnh hiện tại.
Cũng theo báo cáo mới được công bố, các nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm 2023 và 2024, tăng từ mức 4,2% của năm ngoái, do nhu cầu tiêu dùng, du lịch và đầu tư gia tăng.
Lạm phát ở khu vực APAC được dự báo sẽ ở mức vừa phải, từ 4,4% năm 2022 xuống 4,2% năm 2023 và 3,3% năm 2024, tiến gần hơn đến mức trung bình trước đại dịch.
Trong khi đó, khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 4,7% năm 2023 và 5% năm 2024; lạm phát ở mức 4,4% và 3,3%.
Ngoài Việt Nam, Philippines và Campuchia là 2 quốc gia tăng trưởng tốt nhất ở Đông Nam Á, ở mức 6% và 5,5% năm 2023. Con số này tăng lên lần lượt 6,2% và 6% vào năm 2024.
Lạm phát tại Lào và Myanmar năm 2023 sẽ ở mức 16% và 10,5%, cao nhất ở Đông Nam Á, do đồng tiền mất giá. Tuy nhiên, Lào sẽ có những bứt phá vào năm 2024, khi lạm phát ở nước này giảm tới 11% vào năm 2022.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay (5%) do nhu cầu của các hộ gia đình phục hồi mạnh mẽ sau khi các hạn chế Covid được dỡ bỏ, nhưng sau đó sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm sau (4,5%).
Lạm phát giá tiêu dùng ở nước này dự kiến sẽ ổn định trong năm 2023 và 2024 (chỉ ở mức 2,2% và 2%) do chi phí sản xuất đã đi vào ổn định.
Tuy nhiên, quốc gia tỷ dân vẫn cần phải đẩy mạnh cải cách để phân bổ nguồn vốn và tín dụng hiệu quả hơn, giải quyết vấn đề dân số, tăng cường nguồn nhân lực và nâng cao năng suất.
ABD cũng nhấn mạnh triển vọng mạnh mẽ cho Ấn Độ, với mức tăng trưởng ước tính đạt 6,4% trong năm nay và 6,7% trong năm tới.
Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau khi từ bỏ chính sách zero Covid và nhu cầu nội địa tăng ở các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Ấn Độ, sẽ là động lực tăng trưởng chính của khu vực APAC trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ngân hàng ADB, sự phục hồi của khu vực vẫn có thể bị kìm hãm bởi hàng loạt những thách thức của môi trường hậu đại dịch như lạm phát, lãi suất và tỉ lệ nợ cao hơn.
Các chính phủ APAC cũng phải tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương và chống lại những rủi ro của sự rạn nứt toàn cầu, ngân hàng này khuyến cáo.