Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay chính là dấu hỏi liên quan đến việc có nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với game hay không. Rất nhiều ý kiến liên quan đã được các chuyên gia đưa ra liên quan đến dự luật này.
Theo quan điểm chung của mình, ông Đỗ Việt Hùng – Tổng thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cho rằng dự thảo luật sửa đổi luật thuế TTĐB khi bổ sung game online là chưa phù hợp về thời điểm trong bối cảnh chung là doanh nghiệp Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn, đồng thời các chính sách này sẽ tác động đa chiều đến doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.
Cũng theo ông Hùng, khi thể thao điện tử là lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển, việc áp thuế TTĐB sẽ khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt giảm. Bởi lẽ, để hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ game online luôn cần đảm bảo các quy định cấp phép về nội dung. Việc hình thành công cụ kiểm soát với những sản phẩm này sẽ không đồng bộ với các sản phẩm game xuyên biên giới. Trong khi đó, chưa ghi nhận quốc gia nào áp dụng thuế TTĐB lên ngành game online.
Vì vậy, VIRESA kiến nghị cơ quan soạn thảo luật thuế và các tổ chức liên quan cân nhắc toàn diện đầy đủ, thận trọng, và việc đưa game online vào áp thuế TTĐB là không nên.
“Mục tiêu của áp thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, tăng thu ngân sách Nhà nước, nhưng nếu áp dụng thuế này với ngành game lại hoàn toàn khác. Theo số liệu của Liên minh Game Việt Nam, cứ 100 người tham gia game online thì chỉ có dưới 10 người trả tiền (con số chính xác là 5,8 người), có tới 90% người chơi không trả tiền. Điều này đồng nghĩa việc điều chỉnh hành vi người thu thuế là điều chỉnh hành vi của 5,8 người – một con số rất nhỏ, điều chỉnh hành vi này không thể đạt mục tiêu”, ông Trần Phương Huy, Giám đốc VTC Intecom, đưa ra ý kiến và kiến nghị không nên áp thuế TTĐB vào game online.
Ông Huy cho rằng game online là ngành đặc thù trên toàn thế giới. Ngay khi chưa áp thuế, người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ nước ngoài, do đó việc áp thuế với game online đang vô tình gia tăng tính cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến bảo hộ ngược cho nước ngoài.
Để quản lý game online, ông Huy cho biết chúng ta nên bổ sung quy định cấp CCCD gắn chip cho nhóm đối tượng dưới 14 tuổi, để khi trẻ vị thành niên tạo tài khoản chơi game trực tuyến sẽ phải gửi xác thực đến cơ quan quản lý, giúp Nhà nước và cả doanh nghiệp quản lý tài khoản của người chơi game online chặt chẽ hơn trong 1-2 năm tới, từ đó quản lý và kiểm soát hành vi người tiêu dùng thay vì áp dụng chính sách thuế TTĐB.
Mặc dù ủng hộ mục tiêu của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em và định hướng người tiêu dùng nhưng giám đốc Nguyễn Thùy Dung của SohaGame cho rằng giải pháp đánh thuế TTĐB không hề giải quyết được mục tiêu mà dự luật mong muốn. Theo bà, chưa đến 2% số người chơi game tại thị trường VN có trả phí trong game, do đó đối tượng tác động được vào chỉ chiếm dưới 2% tổng số lượng người chơi mà chúng ta muốn kiểm soát thông qua việc áp thuế.
Góp ý tại hội thảo, anh Nguyễn Nhật Long – Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – chia sẻ: “Báo cáo tác động của Bộ Tài chính chưa được thuyết phục vì chỉ nêu các vấn đề rất chung chung. Vì vậy cần nghiên cứu thêm để đánh giá tác động về xã hội, kinh tế, như tiềm ẩn những tệ nạn nào, ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người… Các trường đại học gần đây cũng rục rịch đưa ngành này vào để hướng tới xây dựng ngành công nghiệp game trong tương lai, và nhờ ngành game online đã tạo ra rất nhiều việc làm”. Chính vì vậy, anh Long cho rằng Bộ Tài chính nên nghiên cứu thêm và cân nhắc thêm cho phù hợp hơn trong việc áp thuế TTĐB.
Những thông tin tại hội thảo là cơ hội sớm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của các doanh nghiệp hiện nay, rất kịp thời để cung cấp đầu vào cho những người hoạch định chính sách. Các ý kiến phát biểu sẽ được ghi nhận, và VCCI sẽ có tổng hợp gửi các cơ quan.