Trên đất Song Bình (xã Đại Quang, Đại Lộc) đến nay vẫn còn lưu giữ một giếng vuông cổ chưa thể xác định được niên đại, được dân làng bảo vệ, gìn giữ suốt hàng trăm năm qua.
Cho tới nay, vẫn chưa có nghiên cứu, tài liệu nào đề cập đến giếng vuông của làng Song Bình, xã Đại Quang. Song, theo lời kể của người già trong làng thì giếng vuông có từ lâu đời và đây là giếng Chăm còn sót lại.
Theo quan sát, giếng vuông làng Song Bình có cấu trúc, hình dáng tương đồng với nhiều giếng vuông ở các vùng Hội An, Cù Lao Chàm. Giếng có mặt và đáy hình vuông, được làm bằng đá xanh, vốn là những tấm đá dày có chiều ngang khoảng 1m và dày 0,5 – 0,6m. Các tấm đá này được ghép thành ô, ăn trong khớp rãnh tạo sẵn, rất khít. Giếng có độ sâu tầm 10m.
Ông Lê Tân (gần 70 tuổi, làng Song Bình) chia sẻ: “Có lẽ người xưa rất am hiểu về mạch nước nên giếng vuông trải qua hàng trăm năm vẫn có nguồn nước ngon và trong vắt. Ngay cả loại đá làm giếng cũng thấy rất lạ, là loại đá xanh, không hề có ở vùng. Đá được mài nhẵn, được lắp ghép, xếp chồng lên nhau tinh tế, không bị phá hủy bởi thời gian”.
Cũng theo ông Tân, những người già cũng không thể biết giếng vuông có từ khi nào. Chỉ nghe ông bà truyền lại, đây là giếng Chăm, giếng Hời. Gần giếng vuông trước kia còn nền móng tháp cũ và có một tấm bia, dân làng quen gọi là gò Tháp.
“Thời chống Mỹ, địch đóng trên đỉnh núi, cày ủi, mưa xuống đất đá tràn xuống lấp luôn gò Tháp. Bây giờ tôi khó lòng xác định vị trí chính xác của gò Tháp nhưng chỗ đất đó thì tôi biết” – ông Tân nói.
Mạch nước giếng vuông chưa khi nào vơi cạn, trong vắt quanh năm, dù con đất này, nhiều người thời nay đào giếng bị nhiễm phèn đỏ, phèn vàng rất nặng. Dân làng Song Bình luôn chung tay bảo vệ giếng vuông.
Với những giá trị về mặt kiến trúc, lịch sử, văn hóa, rất cần những nghiên cứu, khảo sát về giếng vuông làng Song Bình cùng với quần thể kiến trúc gò Tháp, ngôi miếu cổ nằm sát đó mà cư dân bản địa gọi là miễu xóm núi, nơi thường diễn ra tục lệ cúng làng đầu năm và cuối năm.
Theo một số tư liệu, trên mảnh đất Quảng Nam, giếng Chăm nói chung và giếng vuông tồn tại rải rác ở một số địa phương, tập trung nhiều nhất ở Hội An, Cù Lao Chàm. Tại Đại Lộc, giếng Chăm hiện vẫn còn sót lại rải rác ở một số làng quê song đến nay, công tác nghiên cứu, khảo cổ vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo ông Phan Vân Trình – Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Đại Lộc, giếng vuông làng Song Bình là loại hình giếng Chăm. Tại nhiều địa phương của huyện, rải rác vẫn còn nhiều giếng Chăm, không riêng gì Song Bình.
Các giếng Chăm này cần được nhân dân bảo tồn, gìn giữ trong cộng đồng và cần có những khảo sát, đánh giá, đề xuất hướng bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Phía UBND xã Đại Quang cần hướng dẫn nhân dân bảo vệ giếng Chăm, lập hồ sơ di tích đề nghị ngành VH-TT và cấp trên công nhận di tích.