Nhiều thiết bị y tế “đắp chiếu” tại Bệnh viện Bạch Mai đang được khởi động trở lại. Nhiều bệnh nhân trước đây phải chuyển đi nơi khác để chụp chiếu, giờ đã có thể khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Bệnh nhân chờ chụp chiếu tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: TL) |
Đây là những tín hiệu vui từ việc giải quyết nút thắt trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế được quy định trong Thông tư 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Thông tư sẽ giúp cho các bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai gỡ nút thắt trong đấu thầu, mua sắm, được lựa chọn mua sắm loại thuốc, trang thiết bị vật tư y tế giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính, yêu cầu chuyên môn.
Giải quyết điểm nghẽn trong đấu thầu, mua sắm linh kiện, thiết bị vật tư y tế
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu, mới đây Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT. Thông tư này đã thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ: Về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo quy định mới của Bộ Y tế, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư xác định giá gói thầu theo một trong 3 phương pháp: Thu thập báo giá; khảo sát giá trúng thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; kết quả thẩm định giá.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Thông tư 14 là văn bản hợp pháp quan trọng hướng dẫn các bệnh viện thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Mặc dù chỉ có hiệu lực trong 6 tháng (hết năm 2023 khi Luật Đấu thầu có hiệu lực) nhưng Thông tư có giá trị quan trọng bởi việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế không dừng một ngày, nhất là với bệnh viện công lập.
“Trước đây, việc mua sắm thiết bị y tế thực hiện theo thông tư của Bộ Tài chính, tuy nhiên, thiết bị y tế là hàng hóa rất đặc thù của ngành y tế, không thể thực hiện đấu thầu, mua sắm như hàng hóa khác, do đó, các bệnh viện đều gặp nhiều vướng mắc”, ông Cơ nói.
Hồi tháng 3, Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành đã gỡ rối về việc xây dựng gói thầu trang thiết bị. Tuy nhiên, các gói thầu hàng hóa dịch vụ liên quan đến trang thiết bị như linh kiện, phụ kiện, dịch vụ bảo hành bảo trì vẫn chưa được huớng dẫn.
“Nhiều cơ sở y tế có máy móc, thiết bị hỏng “nằm đắp chiếu” vì khó khăn mua sắm linh kiện thay thế. Thông tư 14 giúp giải quyết các vấn đề tắc nghẽn này”, ông Cơ chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: TL) |
Thoát cảnh mua sắm thiết bị, vật tư y tế giá rẻ
Theo quy định trước đây, các cơ sở y tế phải lựa chọn mặt hàng đấu thầu giá thấp nhất để mua sắm. Tuy nhiên, trong thực tế đã có những trường hợp có bệnh viện phải mua xông hút với giá thấp nhất gây biến chứng phế quản cho người bệnh. Hay như Bệnh viện Chợ Rẫy từng lên tiếng về việc mua con dao mổ phải rạch mấy lần mới qua da. Nhiều trang thiết bị mua về không thể sử dụng.Theo Thông tư 14, các bệnh viện thuận lợi hơn trong việc lấy báo giá để xây dựng giá gói thầu. Nếu chủ đầu tư sử dụng từ 2 phương pháp xác định giá gói thầu trở lên thì có thể được lựa chọn giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Do đó, không nhất thiết phải lấy đủ 3 bảng báo giá và cũng không cần phải lấy giá thấp nhất như trước đây.
Ông Đào Xuân Cơ nhấn mạnh, Thông tư đã quy định rất rõ, cho phép chủ đầu tư dựa vào Hội đồng khoa học, căn cứ thực tiễn, năng lực tài chính của cơ sở y tế để quyết định giá định mua của thiết bị vật tư phục vụ công tác chuyên môn tại bệnh viện.
“Thực tế, có những loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế của có một hãng phân phối, có một hãng sản xuất hoặc chỉ có một loại hóa chất phù hợp với máy đặt tại cơ sở y tế. Nếu ngày trước không có đủ 3 báo giá để đấu thầu thì chúng tôi rơi vào trạng thái chỉ định thầu. Hiện với Thông tư 14, những vấn đề này được giải quyết, chỉ cần 1-2 báo giá, các cơ sở y tế vẫn có thể làm giá gói thầu. Trước đây, nếu chúng tôi phải tìm nơi bán giá thấp nhất để mua, không bao giờ mua được vật tư thuốc tốt nhất để dùng cho người bệnh. Giờ với Thông tư 14, các cơ sở y tế có thể mua được vật tư, thiết bị y tế với giá cao nhất”, ông Cơ bày tỏ.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng các cơ sở y tế lợi dụng Thông tư này để trục lợi, Phó Giáo sư Đào Xuân Cơ cho rằng trong thời gian qua, việc chống tham nhũng nhất là trong phòng, chống dịch đã được làm chặt, các công ty nâng khống giá đều đã bị “tuýt còi”. Tương lai, Luật Giá có quy định về quản lý giá nên sẽ ngăn ngừa được việc trục lợi.
Ngay khi Thông tư được ban hành, Bệnh viện Bạch Mai đã lên kế hoạch mua sắm các thiết bị khẩn cấp cho các đơn vị trong bệnh viện. Chính phủ đã phê duyệt cho Bệnh viện Bạch Mai gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng để phục vụ mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế. Với gói hỗ trợ này, Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng lên dự trù bổ sung máy móc, thiết bị, linh kiện.
Cũng theo ông Đào Xuân Cơ, Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ năm 2024) đã dành một chương cho đấu thầu thuốc, vật tư y tế. Như vậy, công tác mua sắm, đấu thầu thuốc vật tư sẽ được triển khai tốt hơn trước nhiều, là cơ sở cho các bệnh viện, đặc biệt bệnh viện công lập vận hành thuận lợi và phục vụ người dân tốt hơn.
Đối với tình trạng dịch bệnh, hoặc tình trạng thiên tai thảm họa cho phép chỉ định thầu. Đặc biệt với thuốc hiếm lần này được thể chế hóa trong Luật Đấu thầu, cho phép mua sắm tập trung hoặc đàm phán giá. Đây là tiến bộ trong Luật đấu thầu lần này, khi Luật có hiệu lực sẽ có những thuốc hiếm, vật tư hiếm để dự trữ.
Nguồn: https://nhandan.vn/giai-quyet-diem-nghen-trong-dau-thau-mua-sam-thiet-bi-vat-tu-y-te-post760819.html