Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích, làm rõ hơn về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2023; phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao.
Về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để ngành nông nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới. Trong đó, các ngành chức năng cần làm rõ cơ sở tính toán đối với chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và thủy sản tăng 5,19% là cao so với thực tế.
Công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất năm 2022 còn chậm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch và triển khai các công trình. Do đó, các đơn vị liên quan cần nghiêm túc đánh giá, có giải pháp đồng bộ, thiết thực để khắc phục…. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại xã Đắk R’la (Đắk Mil) đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân.
Lĩnh vực văn hóa xã hội, nhiều ý kiến đại biểu tập trung thảo luận việc việc quá tải học sinh vào lớp 10 và bảo đảm cơ sở vật chất cho ngành giáo dục.
Theo các đại biểu ứng cử trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, trên địa bàn thành phố hiện có 1.224 học sinh được công nhận tốt nghiệp lớp 9, tuy nhiên chỉ tiêu vào lớp 10 được phân bổ chỉ có 1.205; đồng thời học sinh vùng lân cận cũng được tham gia xét tuyển các trường công lập trên địa bàn TP. Gia Nghĩa. Điều này dẫn đến quá tải đối với các trường THPT trên địa bàn và thiệt thòi cho học sinh của thành phố có nhu cầu học hết THPT. Trong khi đó, theo kế hoạch, từ nay đến 2025, tỉnh Đắk Nông không có trường THPT nào được xây mới.
Do đó, để giảm tải, theo đại biểu các địa phương cần nhanh chóng triển khai các chương trình xây dựng phòng học mới theo kế hoạch. Riêng trên địa bàn Gia Nghĩa cần bố trí quỹ đất phù hợp xây dựng thêm trường THPT. UBND tỉnh bổ sung đầu tư nguồn vốn cho giáo dục trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm cơ sở vật chất, bảo đảm quyền lợi, môi trường học tập cho học sinh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều trường, học sinh các khối lớp 4 và 5 không được học môn Tin học, nguyên nhân là do thiếu giáo viên dạy môn này. Do đó, ngành giáo dục cần rà soát các trường học trên địa bàn tỉnh để điều tiết giáo viên đến các trường thiếu giáo viên Tin học.
Kết luận tại phiên thảo luận, đồng chí Lưu Văn Trung đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong việc tham gia thảo luận, phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề bất cập hiện nay.
UBND tỉnh, các sở ngành liên quan nắm bắt các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, giải pháp của đại biểu để có giải pháp từng bước khắc phục. Riêng về tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại xã Đắk R’la (Đắk Mil), đồng chí Lưu Văn Trung cho rằng, vấn đề này được đại biểu ý kiến nhiều lần tại các kỳ họp trước nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý, đề nghị UBND huyện Đắk Mil nghiên cứu, có giải pháp để kịp thời tháo gỡ.