Cựu tổng thống Mikheil Saakashvili từng dẫn đầu phong trào Cách mạng Hoa hồng để vươn lên trở thành lãnh đạo Gruzia, nhưng ông cũng là chính trị gia gây nhiều tranh cãi.
Saakashvili hôm 3/7 xuất hiện trong một phiên tòa được phát sóng trên truyền hình. Ông khiến nhiều người lo ngại khi vén áo lên và để lộ thân hình gầy trơ xương, bụng hóp lại cùng gương mặt hốc hác.
Cựu tổng thống Gruzia cho biết dù sức khỏe yếu, ông “vẫn có tinh thần sung mãn và quyết tâm phục vụ đất nước”. “Một người đàn ông hoàn toàn vô tội đang bị giam. Tôi không phạm bất kỳ tội danh nào”, ông nói.
Saakashvili, 55 tuổi, từng giữ chức tổng thống Gruzia năm 2004-2007 và 2008-2013. Ông bị kết án vắng mặt vì tội lạm dụng chức vụ năm 2018 và lĩnh án 6 năm tù. Saakashvili phủ nhận điều này, cho rằng vụ án mang động cơ chính trị và quyết định đến Ukraine để tránh bị bắt.
Song cựu tổng thống Gruzia bị bắt khi trở về nước tháng 10/2021 và ngồi tù từ đó đến nay. Ông nhiều lần tuyệt thực để phản đối các cáo buộc nhằm vào mình. Saakashvili hiện bị giam tại một bệnh viện tư nhân, nơi ông được chuyển đến vào năm ngoái sau khi tuyệt thực 50 ngày.
Saakashvili và những người ủng hộ cho rằng ông đã bị đầu độc. Hiện cựu tổng thống cao 1m95 chỉ nặng khoảng 60 kg, bằng một nửa so với cân nặng trước khi bị bắt. “Tống tôi vào tù sẽ không thể làm tôi gục ngã. Tôi vẫn sẽ tích cực tham gia vào chính trị Gruzia”, ông nhấn mạnh.
Saakashvili sinh ngày 21/12/1967 tại Tbilisi, thủ đô Gruzia. Ông tốt nghiệp khoa luật Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Kiev, Ukraine, sau đó tiếp tục học cao học ở Pháp, Italy, Hà Lan và Đại học Colombia, Mỹ. Từ năm 1993 đến 1995, ông làm việc cho một công ty luật tại New York.
Saakashvili sau đó trở lại Gruzia theo lời mời của Zurab Zhvania, lúc bấy giờ là chủ tịch đảng Liên minh Công dân Gruzia (SMK), và được bầu vào quốc hội tháng 11/1995.
Từ năm 1995 đến năm 1998, ông giữ chức chủ tịch Ủy ban Pháp chế của quốc hội và nỗ lực vận động hành lang để có những cải cách chính sách nhanh và toàn diện hơn, song không thành công.
Tháng 8/1998, ông được bầu làm người đứng đầu đảng SMK trong quốc hội. Đến tháng 10/2000, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp và bắt tay vào cải cách hệ thống pháp luật Gruzia cũng như cải thiện điều kiện nhà tù. Là người theo chủ nghĩa dân túy, ông kêu gọi quần chúng ủng hộ nỗ lực trấn áp hành vi tham nhũng ở các quan chức cấp cao.
Tháng 8/2001, Saakashvili trực tiếp phản đối Tổng thống Shevardnadze và bất ngờ từ chức sau một vụ trộm bí ẩn tại nhà riêng. Ông tái đắc cử vào quốc hội trong cuộc bầu cử cùng năm và đến tháng 10, ông thành lập đảng Phong trào Quốc gia Thống nhất (UNM). Saakashvili sau đó được bầu làm chủ tịch hội đồng thành phố Tbilisi. Trên cương vị này, ông đã thực hiện chính sách tăng lương hưu, tặng sách giáo khoa cho trường học và đích thân giúp sửa chữa các tòa nhà dân cư đổ nát.
Ngày 3/11/2003, chính quyền Gruzia thông báo đảng Vì một Gruzia Mới, bên ủng hộ tổng thống Shevardnadze, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội.
Saakashvili, cùng với Zhvania và chủ tịch quốc hội Nino Burdjanadze, đã phát động biểu tình ở Tbilisi cùng nhiều thành phố khác với cáo buộc kết quả bỏ phiếu đã bị làm sai lệch và kêu gọi Shevardnadze từ chức. Mức tín nhiệm của Shevardnadze vốn giảm mạnh kể từ năm 2000 vì các vấn đề kinh tế, quản lý kém dịch vụ cơ bản và tham nhũng trong bộ máy nhà nước và an ninh.
Ngày 22/11/2003, Saakashvili và nhóm người ủng hộ chiếm tòa nhà quốc hội mà không bị cản trở, trên tay họ cầm những bông hoa hồng. Tổng thống Shevardnadze chạy trốn khỏi tòa nhà và tuyên bố từ chức vào hôm sau.
Phong trào biểu tình này ngày nay được nhớ đến là cuộc Cách mạng Hoa hồng. Vai trò quan trọng của Saakashvili trong các cuộc biểu tình đã giúp ông được bầu làm tổng thống vào năm 2004.
Ông ngay lập tức bổ nhiệm một nhóm quan chức chính phủ mới để tìm giải pháp cho hàng loạt vấn đề của Gruzia và tập trung giải quyết vấn nạn tham nhũng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hơn cả là Saakashvili đã giữ được đất nước đoàn kết trước các phong trào ly khai ở các vùng như Abkhazia, Ajaria và Nam Ossetia.
Saakashvili vươn lên mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên nhưng một loạt cáo buộc vi phạm quyền công dân và những chính sách ngày càng cứng rắn của ông đã thúc đẩy các phong trào đối lập lan rộng.
Irakli Okruashvili, cựu bộ trưởng quốc phòng dưới chính quyền Saakashvili, đã thành lập đảng Phong trào Thống nhất Gruzia vào năm 2007 và bắt đầu đưa ra những cáo buộc trực tiếp chống lại ông.
Okruashvili sau đó bị bắt, khiến các cuộc biểu tình của phe đối lập nổ ra vào cuối năm 2007. Ngày 2/11/2007, khoảng 50.000 người đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Tbilisi để kêu gọi Saakashvili từ chức.
Các cuộc biểu tình tiếp tục cho đến ngày 7/11/2007, khi cảnh sát chống bạo động được triển khai để giải tán đám đông và Saakashvili tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 15 ngày. Sau khi kêu gọi bầu cử sớm, ông từ chức tổng thống vào ngày 25/11/2007.
Saakashvili tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1/2008, nhưng với số phiếu ít hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2004.
Ngay sau khi Saakashvili nhậm chức, xung đột giữa chính quyền Gruzia với vùng ly khai Nam Ossetia trở nên căng thẳng. Quân chính phủ Gruzia giao chiến với các tay súng ly khai địa phương cũng như với lực lượng Nga đã vượt qua biên giới. Nga nói rằng mục đích của họ là bảo vệ công dân Nga và quân gìn giữ hòa bình đang có mặt trong khu vực.
Bạo lực lan rộng khắp cả nước khi lực lượng Nga di chuyển qua khu vực ly khai Abkhazia ở tây bắc Gruzia. Gruzia và Nga sau đó ký một lệnh ngừng bắn do Pháp làm trung gian. Lực lượng Nga rút quân khỏi các khu vực không tranh chấp nhưng căng thẳng vẫn tiếp diễn.
Saakashvili phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng. Các nhóm đối lập, vốn phản đối việc Saakashvili sử dụng vũ lực trong các cuộc biểu tình tháng 11/2007, không tán thành cách ông xử lý những căng thẳng và cáo buộc ông đẩy Gruzia vào một cuộc xung đột khốc liệt, tốn kém mà họ không thể thắng.
Năm 2012, đảng UNM của Saakashvili phải đối mặt với thách thức từ liên minh đối lập mới thành lập Giấc mơ Gruzia (GD), do tỷ phú Bidzina Ivanishvili lãnh đạo.
Nhiều tuần trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10/2012, các cuộc thăm dò cho thấy UNM vẫn dẫn trước GD, nhưng vị thế của đảng này đã bị tổn hại khi những video quay cảnh cai ngục Gruzia đánh đập và lạm dụng tình dục tù nhân bị lan truyền rộng rãi, khiến công chúng giận dữ. Cuối cùng, UNM chịu thất bại trước GD, Saakashvili từ chức vào năm 2013.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, Saakashvili giảng dạy một thời gian ngắn tại Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts. Giới chức Gruzia đã đệ đơn tố cáo ông trong thời gian này nên ông không trở về đất nước. Năm 2018, ông bị xét xử vắng mặt và kết án vì tội lạm dụng quyền lực trong hai phiên tòa riêng biệt.
Saakashvili đến Ukraine vào năm 2015 theo lời mời từ tổng thống khi đó Petro Poroshenko. Ukraine lúc bấy giờ đang đứng trước áp lực phải cải cách vì xung đột với phe ly khai thân Nga ở miền đông. Đây là tình huống tương tự những gì Saakashvili phải đối mặt trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Saakashvili được cấp quốc tịch Ukraine, từ bỏ quyền công dân Gruzia và được bổ nhiệm làm thống đốc vùng Odessa của Ukraine.
Năm sau, ông cáo buộc tổng thống Ukraine tham nhũng, từ chức thống đốc và thành lập một đảng đối lập chống lại Poroshenko. Trong khi Saakashvili đến Mỹ vào tháng 6/2017, Poroshenko đã tước quyền công dân của ông. Saakashvili trở lại Ukraine qua Ba Lan nhưng bị bắt vào tháng 2/2018 và bị trục xuất trở lại Ba Lan. Saakashvili chuyển đến Hà Lan, nơi vợ ông có quốc tịch, và tìm được công việc giảng viên.
Năm 2019, Saakashvili trở lại Ukraine sau khi quốc tịch của ông được khôi phục bởi Tổng thống Volodymyr Zelensky. Tháng 5/2020, Zelensky bổ nhiệm ông làm người đứng đầu Ủy ban Cải cách Ukraine.
Vài tuần trước cuộc bầu cử quốc hội năm 2020 ở Gruzia, Saakashvili đã thông báo về ý định hồi hương của mình. Mặc dù không có quyền công dân và bị đe dọa bỏ tù khi tái nhập cảnh, UNM vẫn chỉ định ông làm ứng viên cho chức thủ tướng. Tuy nhiên, UNM đã thua trong cuộc bầu cử và Saakashvili vẫn ở lại Ukraine.
Năm 2021, ông trở lại Gruzia với ý định kêu gọi người dân tổ chức biểu tình chống chính phủ quy mô lớn trước cuộc bầu cử địa phương vào tháng 10. Ông bị bắt chỉ vài giờ sau khi thông báo đã trở về.
Ở quê nhà, Saakashvili là một gương mặt chính trị gây nhiều tranh cãi, nhưng ngay cả nhiều người phản đối ông cũng cảm thấy không thỏa đáng về cách cựu tổng thống Gruzia đang bị đối xử.
“Có nhiều vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống dưới thời Saakashvili, nhưng trong một nhà nước pháp quyền, bạn cần phải đưa ra những cáo buộc thích đáng, chứ không phải như thế này”, Eka Tsimakuridze từ tổ chức Chỉ số Dân chủ Gruzia, bình luận. “Bạn có thể bất đồng chính trị gay gắt với Saakashvili nhưng việc ông ấy có nguy cơ chết trong khi bị giam sẽ là thảm họa đối với đất nước”.
“Nếu Saakashvili chết trong tù, điều đó sẽ tạo ra vết thương khó chữa lành trong xã hội Gruzia”, bà nói.
Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 3/7 nói rằng Saakashvili “đang bị tra tấn”, yêu cầu Tbilisi giao ông cho Kiev. Ngoài Ukraine, nhiều nước khác cũng lên tiếng bất bình về những điều kiện cựu tổng thống Saakashvili đang phải chịu.
“Tra tấn một lãnh đạo phe đối lập đến chết là điều không thể chấp nhận được đối với một quốc gia đang muốn gia nhập Liên minh châu Âu (EU)”, Tổng thống Moldova Maia Sandu hồi đầu năm viết trên Twitter, kêu gọi Gruzia trả tự do cho Saakashvili ngay lập tức.
Cuối năm ngoái, Saakashvili đã viết một bức thư tay cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó, ông viết: “SOS. Tôi sắp chết, tôi chỉ còn rất ít thời gian”.
Dù vậy, chính quyền Gruzia cho rằng Saakasvhili đang làm giả tình trạng sức khỏe của mình để được ra tù.
Vũ Hoàng (Theo BBC, Guardian, Britannica)