Xã Mê Linh (Lâm Hà) là một xã vùng ven, phía Bắc giáp xã Tà Nung, cách trung tâm Đà Lạt 20 km, địa phương có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những năm gần đây, Mê Linh phát triển nhanh và vượt bậc nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và huyện Lâm Hà.
Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện trên địa bàn xã Mê Linh cho hiệu quả kinh tế cao |
Đảng và Nhà nước đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho miền núi, đồng bào DTTS với các chương trình lớn như Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình 67, Chương trình đa dạng hóa sinh kế, nhiều chương trình dự án, nhiều chính sách ưu đãi, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, đường dân sinh…; các nội dung này đều được triển khai trên địa bàn xã.
Mê Linh là một xã có xuất phát điểm thấp, ban đầu cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đi lại khó khăn, trong 10 thôn của xã thì có 4 thôn người đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên gồm thôn Hang Hớt, Cổng Trời, Buôn Chuối, Thực Nghiệm với khoảng 433 hộ/2.136 nhân khẩu sinh sống, làm ăn tại đây. Nhìn chung, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế, các dịch vụ còn chậm phát triển so với các địa phương khác. Nhân dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, Mê Linh được đầu tư 14 công trình làm đường tại 4 thôn đồng bào DTTS, 6 công trình nước sạch hợp vệ sinh được hoàn thiện đưa vào sử dụng với tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ tỉnh quan tâm điều phối kinh phí hỗ trợ xây dựng 36 căn nhà đại đoàn kết trị giá 778 triệu đồng cho hộ nghèo. Trong việc hỗ trợ sản xuất, Mê Linh đã được hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng cho 225 lượt hộ gia đình đầu tư con giống bò, phương tiện sản xuất, phân bón, giống cây trồng… nên đã có bước chuyển biến đáng kể.
Tại cơ sở, sự chung tay, giúp sức của Ủy ban MTTQ xã và các đoàn thể đã phát huy hiệu quả trong vận động, tuyên truyền, giúp đỡ các hộ nghèo người DTTS. Đại diện MTTQ xã Mê Linh cho biết, với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thời gian qua, Mặt trận, các đoàn thể tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên đã hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, nhất là bà con người DTTS. Nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế được ứng dụng vào đời sống và bước đầu có hiệu quả. Hội Nông dân xã được tập huấn để hướng dẫn bà con áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Xuất hiện nhiều mô hình hay như Hội Phụ nữ xã xây dựng Mô hình “Tổ tiết kiệm giúp nhau phát triển sản xuất”, “Tổ nuôi heo đất” đã góp phần thiết thực giúp chị em có điều kiện trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế.
Qua tìm hiểu, được biết, năm 2018, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ huyện Lâm Hà về “Xây dựng mô hình giúp đỡ bà con đồng bào DTTS chuyển đổi cây trồng, vật nuôi”, trong đó, chủ yếu là trồng dâu, nuôi tằm, MTTQ huyện cũng xác định chọn xã Mê Linh làm điểm để triển khai nhân rộng. MTTQ hỗ trợ nong, né, giống dâu cho bà con. Khi đó, Mặt trận vận động được 29 hộ của 4 thôn đồng bào DTTS thực hiện chuyển đổi được 2,9 ha dâu và nuôi tằm thường xuyên. Sau đó, phong trào tiếp tục được nhân rộng phát triển thêm 92 hộ trồng dâu nuôi tằm với khoảng trên 16 ha dâu, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tạo mức thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, Mặt trận, đoàn thể còn tích cực động viên bà con chuyển đổi cây trồng ngắn ngày phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho thu nhập khá như chuyển đổi trồng ớt ngọt, khoai lang, su su… cho giá trị kinh tế tương đối, tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Từ đó, đã giúp bà con tăng thu nhập, nhanh chóng thoát nghèo và ổn định cuộc sống, góp phần chung vào việc đưa xã Mê Linh ngày càng ổn định và có bước tăng trưởng khá. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Mê Linh giảm còn 9,4% tương ứng khoảng 166 hộ. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 152 hộ, chiếm tỷ lệ 27,6%.
Trao đổi thêm về kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, đại diện Ủy ban MTTQ xã Mê Linh cho biết, với đặc điểm của địa phương, nhất là tập quán, phong tục, trình độ của bà con còn hạn chế nên Mặt trận cần quán triệt, xác định rõ trong khi đi tuyên truyền đó là “Cho bà con cái cần câu chứ không cho con cá”, động viên bà con chủ động, chăm chỉ làm ăn, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước thì mới bền vững, mới có cái ăn. Về phương pháp vận động, phải thường xuyên đổi mới nội dung, kịp thời cung cấp kiến thức mới, chính sách mới để nói cho dân hiểu, dân biết và hướng dẫn Nhân dân làm. Mặt khác, cần phải thường xuyên gần gũi, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của bà con, để có giải pháp xử lý hoặc tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết, tháo gỡ sớm những khó khăn, vướng mắc. Từ đó mới khích lệ tinh thần Nhân dân thi đua sản xuất, chung tay đóng góp xây dựng quê hương Mê Linh ngày càng giàu đẹp.