Nhận thức đúng về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), thời gian qua tỉnh chủ động xây dựng năng lực chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH thông qua hàng loạt các hoạt động hữu ích.
Lực lượng chức năng huyện Nghĩa Hưng diễn tập phương án di dân khi gặp sự cố thiên tai, bão lũ nguy hiểm, góp phần nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu. |
Trong đó, đã tính toán đến các yếu tố BĐKH và nước biển dâng khi tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế – xã hội; chỉ đạo xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Các ngành, các địa phương, nhất là các huyện ven biển, cũng chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai (bão, nước biển dâng, xâm nhập mặn) phù hợp với từng ngành, lĩnh vực; chủ động cả phương án xử lý tình huống xấu nhất ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đê biển, đê sông xung yếu; xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt; nạo vét hệ thống sông, kênh mương; củng cố nâng cấp hệ thống trạm bơm bảo đảm tưới tiêu kịp thời; bảo vệ phục hồi rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Đến nay đã nâng cấp 64,7/76,6km đê trực diện với biển, xây mới 8 cống qua đê, 80 mỏ kè giữ bãi bảo bệ đê và đang triển khai củng cố, nâng cấp 7,871km đê Cồn Xanh. Toàn tỉnh hiện có 3.092,37ha rừng, trong đó 3.022,22ha rừng trồng đã thành rừng, tỷ lệ che phủ đạt 1,83%, đã góp phần hạn chế tác động của BĐKH, nước biển dâng, tình trạng bồi lấn bờ biển, chắn sóng, bảo vệ bờ biển, đê biển, phòng chống thiên tai; tăng cường đảm bảo an toàn, bảo vệ đời sống và sản xuất của cộng đồng dân cư ven biển. Công tác bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông; củng cố, xây dựng mới các công trình cấp, thoát nước của khu dân cư cũng đã được chú trọng. Trong đó, Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định đã thực hiện củng cố, nâng công suất cấp nước sạch của Nhà máy cấp nước cho thành phố Nam Định từ 50 nghìn m3 lên 70 nghìn m3; tại khu vực nông thôn hiện đã đầu tư 55 công trình cấp nước sạch tập trung cho 149/204 xã, thị trấn và đang triển khai thi công 7 dự án để cấp nước sạch cho 55 xã còn lại.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, các địa phương đã từng bước triển khai các hoạt động giảm nhẹ khí nhà kính, tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính, bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên theo hướng phù hợp với tình hình phát triển và điều kiện thực tiễn tại địa phương, đơn vị. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Cơ cấu cây trồng được chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng chất lượng, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường và thích ứng với BĐKH. Năm 2022 đã thực hiện chuyển đổi 1.106ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa và còn góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính do trồng lúa nước. Toàn tỉnh có khoảng 600ha cây trồng (gồm các loại lúa giống, lúa chất lượng cao, rau củ quả và cây dược liệu) được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương. Lĩnh vực chăn nuôi đã chủ động áp dụng các biện pháp quản lý, tận dụng chất thải, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt đã xây dựng, lắp đặt trên 18 nghìn công trình khí sinh học xử lý chất thải trong chăn nuôi; triển khai hiệu quả 168 mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi chống quá tải hầm khí sinh học, thí điểm 7 mô hình sử dụng máy tách phân, sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, 2 mô hình tách phân kết hợp máy phát điện sử dụng khí sinh học, 4 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững thích ứng với BĐKH trong xây dựng nông thôn mới. Các hộ dân đã chủ động tận dụng chất thải trong chăn nuôi xử lý làm phân bón cho cây trồng, thức ăn cho nuôi thủy sản, giảm đáng kể hoạt động xả chất thải ra môi trường, giảm phát sinh khí nhà kính…
Ngành Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hành động “sản xuất sạch hơn”, tập trung đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại; ưu tiên phát triển, tăng tỷ trọng sản phẩm các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại như cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng. Việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo được tích cực thúc đẩy. Công tác khảo sát, nghiên cứu và thu hút đầu tư nhà máy điện khí LNG Nam Định tại huyện Hải Hậu, nhà máy điện gió gần bờ ngoài khơi 3 huyện có biển đang được tập trung triển khai.
Tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, tỉnh cũng chủ động nhận diện để tập trung khắc phục các yếu kém, hạn chế. Đó là, hệ thống văn bản pháp luật liên quan về ứng phó với BĐKH còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để triển khai thực hiện. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý Nhà nước về ứng phó với BĐKH cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều còn thiếu; hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên sâu. Nội dung thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó với BĐKH chưa được thường xuyên cập nhật, nhất là trong bối cảnh BĐKH luôn diễn biến phức tạp. Chưa có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho công tác ứng phó với BĐKH. Nguồn lực về tài chính để thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến BĐKH chưa được bố trí đầy đủ theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, nhất là các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cần nguồn lực tài chính lớn. Việc phân bổ các nguồn lực chưa hợp lý, còn phân tán, chưa tập trung ưu tiên cho những nơi chịu ảnh hưởng tác động lớn của BĐKH và nước biển dâng.
Thời gian tới, tỉnh quyết liệt chỉ đạo nâng cao trách nhiệm, sự chủ động thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp ứng phó BĐKH của các cấp chính quyền, ngành chức năng, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Trung ương quan tâm chỉ đạo về chính sách ưu đãi, điều tiết nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để tăng nguồn vốn đầu tư cho tỉnh Nam Định; tạo điều kiện để địa phương tiếp cận với các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước tiếp tục thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp ứng phó BĐKH. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH; đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể, hướng dẫn các cấp, các ngành về chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng, thực hiện và cập nhật kế hoạch ứng phó BĐKH, kế hoạch triển khai thoả thuận Paris về ứng phó BĐKH theo từng lĩnh vực quản lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương ven biển, khu vực chịu ảnh hưởng, tác động lớn của BĐKH để triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó BĐKH./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý