MINH HUYỀN
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài còn thấp so với vốn được cấp phát. Tại hội nghị sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng mới đây, Bộ Tài chính và các bộ ngành Trung ương cùng các địa phương xác định cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao tỷ lệ giải ngân và phát huy hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này.
Thi công kè sông Cần Thơ – ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: ANH KHOA
Theo Bộ Tài chính, đối với vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài, năm 2023 các địa phương được giao tổng kế hoạch vốn trên 34.500 tỉ đồng. Tính đến ngày 27-6-2023, các địa phương đã phân bổ và nhập tabmis (Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc) cho các dự án trên 27.385 tỉ đồng; kết quả giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương chỉ đạt 7,8% kế hoạch vốn năm 2023 được giao (tính cả vốn cấp phát và vay lại). Ðối với cấp bộ ngành, tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách Trung ương là 11.858,314 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỉ đồng.
Tiến độ giải ngân nguồn vốn nước ngoài chậm, do có không ít dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện. Các chủ đầu tư phải vừa tuân thủ quy định của nhà tài trợ, vừa tuân thủ quy định của Nhà nước dẫn đến các dự án phát sinh rất nhiều thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, các dự án phải chờ thư không phản đối của nhà tài trợ để thực hiện làm kéo dài và làm chậm tiến độ triển khai. Vì vậy, đây là nội dung cần trao đổi với các nhà tài trợ trong thời gian tới để tháo gỡ. Ðối với việc sử dụng vốn dư còn phải xem xét mục đích, yêu cầu sử dụng vốn dư… Cùng với đó là các vướng mắc phát sinh trong khâu đấu thầu, giải phóng mặt bằng, do điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế, biến động giá nguyên vật liệu, giá thi công… Trong đó có trách nhiệm của các địa phương, ban quản lý các dự án. Các vướng mắc làm mất rất nhiều thời gian để xử lý đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn, chậm thực hiện thủ tục thanh quyết toán các dự án.
Theo báo cáo, Bộ Giao thông vận tải có kết quả giải ngân nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đạt 30,97% và nằm trong nhóm bộ, ngành giải ngân cao. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Ðầu tư (Bộ Giao thông vận tải), Bộ đã đưa ra kế hoạch trong quý III-2023 sẽ giải ngân thêm tổng số vốn gần 21.700 tỉ đồng, bao gồm hơn 20.800 tỉ đồng thuộc kế hoạch vốn được giao năm 2023 và hơn 855 tỉ đồng thuộc nguồn vốn kéo dài thời gian thực hiện. Bộ sẽ nỗ lực tối đa để giải ngân cao nhất vốn đầu tư công được giao; đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân; kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc các dự án còn khối lượng giải ngân lớn, đặc biệt trong giải ngân vốn giải phóng mặt bằng.
Tại Cần Thơ, vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao sử dụng nguồn vốn nước ngoài là 2.093 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã giao chi tiết 1.733 tỉ đồng vốn ODA cho các chủ đầu tư để thực hiện 3 dự án chuyển tiếp. Giá trị giải ngân vốn nước ngoài đến ngày 27-6-2023 là 410 tỉ đồng đạt 19,59% kế hoạch vốn, đạt 23,66% kế hoạch vốn giao chi tiết. Theo ông Lê Minh Công, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, hiện nay, dự án Bệnh viện Ung Bướu TP Cần Thơ quy mô 500 giường đã hết thời gian hiệu lực của Hiệp định vay vốn, đang trong quá trình rà soát, thực hiện các thủ tục cần thiết để đề xuất gia hạn Hiệp định, điều chỉnh dự án… Do vậy, không thể giao chi tiết và giải ngân vốn ODA với số vốn dự kiến bố trí cho dự án trong năm 2023 là 359,635 tỉ đồng. UBND thành phố đã có Công văn số 1933/UBND-XDÐT ngày 2-6-2023 đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư xem xét cho thành phố điều chuyển vốn sang bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu. Ðối với số vốn 125,794 tỉ đồng của dự án Kè bờ sông Cần Thơ – Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, UBND thành phố đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận phương án tài chính kéo dài thời gian rót vốn đến ngày 31-12-2023 và thời hạn giải trình vốn ngày 31-3-2024 để chủ đầu tư thực hiện giải ngân theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn nước ngoài, các địa phương cần rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể khả năng giải ngân vốn của các dự án, chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn cấp phát, cho vay lại với các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiềm năng giải ngân tốt. Các dự án không có khả năng hoàn thành theo tiến độ chủ động cắt giảm, điều chuyển kế hoạch và gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 1-9-2023. Các dự án cần điều chỉnh tổng mức đầu tư, các địa phương cần thực hiện chặt chẽ, báo cáo các bộ ngành để trình Chính phủ. Các vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án cần khẩn trương đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, triển khai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng để có khối lượng thực hiện. Các ban quản lý dự án Trung ương phối hợp với địa phương để đảm bảo các dự án triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Theo ông Trương Hùng Long, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay vốn nước ngoài, vay ưu đãi nước ngoài. Ðối với các cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính đề nghị rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án, tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Các địa phương tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và kịp thời báo cáo bộ, ngành các vấn đề vượt thẩm quyền, tiếp tục phối hợp với cấp Trung ương để triển khai tốt các dự án sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.l