Hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân được tính bằng kết quả đạt được chia cho chi phí sản xuất. Song, xuất phát từ nguyên nhân giá đầu vào một số mặt hàng thiết yếu, phân bón, thức ăn cung cấp nuôi thuỷ sản tăng liên tục những năm gần đây, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, lợi nhuận của người dân.
Huyện Trần Văn Thời được xem là trung tâm vùng ngọt hoá, là vựa lúa của tỉnh, với gần 300.000 ha lúa 2 vụ, năng suất hàng năm đạt 5-6 tấn/ha. Ðây là nơi có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển mô hình trồng hoa màu, cây ăn trái, với diện tích chiếm khoảng 3.000 ha; cùng với đó là mô hình nuôi cá bổi thương phẩm, với diện tích chiếm khoảng 120-300 ha/năm.
Với tiềm năng, lợi thế đó, năng suất, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của bà con nông dân huyện Trần Văn Thời sẽ rất ổn nếu như giá cả vật tư phục vụ sản xuất bình ổn, không tăng cao như những năm gần đây.
Người dân bày bán các loại nông sản ven đường (thuộc địa bàn xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), với mong muốn lợi nhuận cao hơn bán cho thương lái. Tuy nhiên, với phương pháp này chỉ bán được số lượng ít.
Ông Duy Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Trước đây, diện tích nuôi cá bổi trên địa bàn huyện chiếm khoảng 300 ha. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cá thương phẩm giảm mạnh, người nuôi không lời, thậm chí lỗ vốn nên diện tích thu hẹp lại, chỉ còn 120-150 ha. Cũng từ nguyên nhân trên kéo theo lợi nhuận các mô hình sản xuất khác của nông dân trên địa bàn bị ảnh hưởng rất lớn”.
Theo ông Huỳnh Phi Thoàng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tình hình sản xuất của bà con hiện nay rất khó khăn, do giá vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, giá điện, chi phí thu hoạch… tăng cao, trong khi giá đầu ra nông sản lại thấp, bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Bà con mong sao các ngành chức năng sớm có biện pháp ổn định tình hình giá cả thị trường, giúp bà con có lãi để an tâm sản xuất.
Sử dụng thiết bị kỹ thuật bón phân, thuốc cho lúa trên địa bàn xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Đây là lựa chọn an toàn cho người dân, tuy nhiên sẽ đội thêm chi phí trong sản xuất.
Ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng huyện Trần Văn Thời, thì cho rằng, khó khăn nhất của người dân hiện nay là được mùa thì mất giá, hoặc sản xuất không có lãi do giá các mặt hàng phục vụ sản xuất tăng liên tục. Nông dân tha thiết yêu cầu cấp trên xem lại, hỗ trợ giá như thế nào giúp người sản xuất vừa đảm bảo giá đầu ra, vừa kiểm soát giá đầu vào vật tư nông nghiệp, xăng, dầu…
Ông Trần Trường Vũ, Khóm 2, phường Tân Thành, TP Cà Mau, chia sẻ: “Là nông dân, chúng tôi không ngại lao động vất vả, chỉ sợ nhất là sản xuất thành công nhưng bán không được, hoặc giá cả bấp bênh. Trước đây gia đình tôi từng nuôi 5 ao cá chình, bống tượng, do ảnh hưởng thời tiết, cùng với dịch bệnh, giá thị trường không ổn định… nên tôi quyết định thu hẹp diện tích nuôi. Hiện nay tôi thử nghiệm nuôi cá chốt trâu nhưng chưa biết kết quả thế nào”.
Nhiều năm liền nuôi cá chình không có lời, cuối năm 2022, ông Trần Trường Vũ, Khóm 2, phường Tân Thành, TP Cà Mau, nuôi thử nghiệm cá chốt trâu. Bước đầu hiệu quả, tuy nhiên mô hình này chưa phổ biến và giá cả cũng chưa ổn định.
Liên quan đến vấn đề kiểm tra chất lượng và niêm yết giá công khai trên bao bì, hoặc bảng công khai giá tại cơ sở mua bán, kinh doanh, ông Ðinh Hiếu Nghĩa, Phó chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thông tin: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi tổ chức thanh tra và kiểm tra tất cả các lĩnh vực ngành quản lý, như kiểm tra chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, hoá chất; kiểm tra niêm yết giá bao bì, việc kê khai đúng giá tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn… Nhìn chung, chưa phát hiện vi phạm về giá cũng như chất lượng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất.
“Riêng vấn đề giá vật tư phục vụ sản xuất tăng, nguyên nhân xuất phát từ biến động thị trường trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng nhận thấy rõ khó khăn của bà con, đã có động thái kiến nghị về trên hoặc tổ chức các cuộc hội thảo tìm giải pháp giúp nông dân duy trì và phát triển sản xuất. Giải pháp trước mắt cho người dân chính là sáng suốt lựa chọn các sản phẩm, nhà cung ứng uy tín, chất lượng, kết hợp cân nhắc, tiết giảm chi phí, góp phần tăng hiệu quả, lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh”, ông Ðinh Hiếu Nghĩa cho biết thêm./.
Loan Phương