3 năm học trung học phổ thông, Bảo Trân giữ vững thành tích học sinh giỏi. Em hát hay, thường xuyên biểu diễn trong các buổi lễ, hoạt động, sự kiện lớn của trường. Bảo Trân còn nhiệt tình tham gia hoạt động, phong trào trường tổ chức.
VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH
Chị Phan Thanh Xuân – mẹ của Bảo Trân kể, Bảo Trân sinh thiếu tháng, lúc lọt lòng em được hấp điện trong lồng kính. Đôi mắt em mờ dần rồi tắt hẳn ánh sáng. Thương con, chị Xuân gửi em đến Mái ấm khiếm thị tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cho em học chữ nổi, sau đó học tiểu học theo chương trình giáo dục hòa nhập trong trường phổ thông.
Sống xa ba mẹ khi 4 tuổi, Bảo Trân lớn lên trong vòng tay chăm sóc của các sơ trong mái ấm. Học hết tiểu học, em được ba mẹ đón về TP. Rạch Giá học trung học cơ sở. Với thành tích học tập khá, giỏi nhiều năm liền, Bảo Trân được vào học Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt.
Em Huỳnh Phan Bảo Trân (thứ ba, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn.
Theo thầy Đào Viết An – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt, năm học 2020-2021, khi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ dạy Bảo Trân, trường nghiên cứu văn bản liên quan giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật, phối hợp gia đình tìm hiểu học lực và nguyện vọng của em, từ đó xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá riêng cho em. Bảo Trân có ý thức học tập cao, tiếp thu tốt, tích cực phát biểu xây dựng bài.
Bảo Trân hoạt bát, tự tin và tràn đầy năng lượng. Với Bảo Trân, mỗi người có giá trị riêng, không làm được việc này thì làm việc khác, từ đó Trân nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu trong học tập và cuộc sống.
Để học tốt, Bảo Trân học cách sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh. Hiện Bảo Trân sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại để phục vụ việc học, giải trí, kết nối bạn bè. Trân học chăm chỉ, tìm cách học phù hợp và khoa học. Những việc khó em chủ động nhờ bạn bè, thầy cô giúp đỡ. Em hay dò bài với bạn để ghi nhớ bài dễ hơn, tham gia lớp học trực tuyến dành cho người khiếm thị môn vật lý, hóa học. Nhờ đó, em học tốt, kết nối với nhiều bạn bè trong lớp, trường cũng như các bạn cùng hoàn cảnh trên mạng xã hội.
TỰ TIN TỎA SÁNG
Năm học 2021-2022, Bảo Trân tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, đoạt giải khuyến khích với đề tài “Tăng cường giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh”. Bảo Trân kể, em thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại thu thập tài liệu thực hiện đề tài rất khó khăn. Trân ít khi được gặp thầy hướng dẫn và bạn cùng thực hiện đề tài, chỉ liên lạc qua điện thoại. “Đoạt giải trong cuộc thi, em vui và tự hào vì giải pháp góp phần thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật để học sinh khuyết tật như em có điều kiện học tập tốt hơn”, Bảo Trân chia sẻ.
Sự tự tin, lạc quan của Bảo Trân là kết quả của thái độ sống tích cực và rèn luyện bền bỉ với mong muốn chinh phục ước mơ, sống có ích. Em Mai Đông Anh – học sinh lớp 12A5 chia sẻ: “Em khâm phục ý chí, nghị lực của Bảo Trân, thích bạn vì bạn hòa đồng, dễ thương. Không còn học chung trường nhưng em sẽ giữ liên lạc với bạn để cùng chia sẻ buồn vui trong thời gian tới”.
Bảo Trân dự định đăng ký ngành truyền thông văn hóa hoặc công tác xã hội. “Thời gian tới, em học nâng cao trình độ tiếng Anh. Tốt nghiệp đại học em sẽ tiếp tục học ngành truyền thông, tìm việc làm, không dựa vào ba mẹ”, Bảo Trân nói.
Xa trường, Bảo Trân bồi hồi khi nhớ về thầy cô, bạn bè, những người luôn giúp đỡ tận tình để em vượt qua khó khăn. Thời gian tới, Bảo Trân đến TP. Hồ Chí Minh học đại học. Hình dung về tương lai, Bảo Trân không lo lắng vì có khả năng tự lập tự nhỏ. “Với em, gặp khó khăn thì tìm cách khắc phục, không gì là không thể, quan trọng là phải sống chan hòa, yêu thương mọi người và trở thành người có ích”, Bảo Trân chia sẻ.
Bài và ảnh: BÍCH TUYỀN