Chưa phát huy được vai trò dẫn dắt
Theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 – 2020, để đạt được tiêu chí 13, các xã cần đạt 2 chỉ tiêu: có hợp tác xã (HTX) hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025, tiêu chí số 13 được bổ sung thêm 1 chỉ tiêu nữa, đó là thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương…
HTX Nông nghiệp và dịch vụ Yên Nguyên (Chiêm Hóa) ra đời cùng thời điểm xã về đích NTM năm 2016. Sau 6 năm đi vào hoạt động, HTX đã khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức liên kết sản xuất nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp. Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc HTX phấn khởi cho biết, HTX đang liên kết với 4 hợp tác xã khác phát triển hơn 100 ha ngô sinh khối, lạc, ớt xuất khẩu. Sản xuất theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm HTX đã liên kết với công ty giống vật tư nông, lâm nghiệp Tuyên Quang cung ứng trọn gói giống, phân bón đến tay người nông dân với giá ưu đãi nhất. Theo ông Hộ, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào, gia tăng giá trị sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đạt lợi nhuận đặt ra. Năm 2022, trừ mọi chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được của HTX đạt gần 2 tỷ đồng.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Nguyên (Chiêm Hóa) liên kết với người dân trồng ớt xuất khẩu.
HTX sản xuất, chăn nuôi giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cũng khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và các xã lân cận. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang liên kết với 6 HTX và 28 xã trên địa bàn với 3.000 hội viên nông dân triển khai 3 dự án lớn gồm sản xuất, chăn nuôi, cung ứng giống gia cầm chất lượng cao; trồng dưa chuột cung ứng vào hệ thống siêu thị và trồng, xuất khẩu ớt tươi. Chỉ tính riêng dự án dưa chuột, năm 2022, HTX đã sản xuất, tiêu thụ 15.000 tấn dưa vào bếp ăn tập thể, siêu thị. Doanh thu năm 2022 đạt 86 tỷ đồng, dự kiến năm 2023, con số này sẽ là 100 tỷ đồng.
Theo báo cáo giám sát chuyên đề triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã có 103/122 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Số lượng xã đạt tiêu chí 13 khá cao, tuy nhiên không phải xã nào HTX cũng hoạt động hiệu quả như HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Nguyên (Chiêm Hóa); HTX sản xuất, chăn nuôi giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương). Chỉ tính riêng ở 62 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM có 30% số HTX được đánh giá hoạt động tốt và khá, còn lại là trung bình. Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp xã Kiên Đài (Chiêm Hóa), HTX dịch vụ nông nghiệp Ninh Lai (Sơn Dương), Kim Quan (Yên Sơn)… chỉ hoạt động ở mức cầm chừng, thậm chí là yếu. Ông Lục Văn Lý, Giám đốc HTX Ninh Lai (Sơn Dương) chia sẻ, không thể vận động thành viên vào hợp tác xã khiến cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của HTX đã khó, kèm theo đó là ngành nghề chủ yếu của HTX là làm dịch vụ thủy lợi phục vụ là chính nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Mỗi năm từ nguồn cấp bù thủy lợi phí của Nhà nước cho HTX là 88 triệu đồng khiến cho việc trả lương cho cán bộ HTX còn khó chưa nói đến tái đầu tư sản xuất, ông Lý buồn rầu nói.
Theo ông Lê Văn Công, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ – Phong trào, Liên minh HTX, nguyên nhân chủ yếu là một số xã khi được chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM “vội vàng” vận động người dân để nhanh chóng thành lập HTX. Từ sự gượng ép này dẫn đến HTX được thành lập lên theo kiểu cho có, không phát huy được vai trò dẫn dắt, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Từ đó dẫn tới việc có những HTX loay hoay không biết tổ chức hoạt động như thế nào. Chưa kể, một số HTX do mới đi vào hoạt động nên đa phần đều gặp khó khăn như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm… Đây cũng là nguyên nhân của việc số lượng HTX trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tăng nhanh song chất lượng hoạt động thì gần như không biến động.
Cần đổi mới về chất
Đảm bảo HTX hoạt động thực chất, phát huy vai trò là “hạt nhân”, “lực lượng cốt lõi” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Liên minh HTX tỉnh đã làm việc trực tiếp với các huyện, thành phố rà soát, phân loại lại tất cả các HTX trên địa bàn. Đối với các HTX vẫn có khả năng hoạt động, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp để củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM nhưng có HTX hoạt động yếu, kém sẽ lựa chọn, vận động các sáng lập viên tâm huyết, có nhu cầu thực sự liên kết sản xuất kinh doanh để thành lập HTX khác. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ để các HTX tiếp cận được chính sách theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào nhóm chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho 80 sản phẩm của các chủ thể là hợp tác xã với tổng số tiền là 7,2 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập mới 51 HTX với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tạo mọi điều kiện, tổ chức kết nối cho các HTX liên kết, phát triển sản xuất với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…Thống kê sơ bộ đã có 75 hợp tác xã, 16.607 hộ gia đình tham gia hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ 20 loại sản phẩm nông sản…
Hy vọng rằng những giải pháp của tỉnh, ngành chuyên môn sẽ mang lại sự đổi mới về chất cho các HTX, từng bước khẳng định là “hạt nhân”, “lực lượng cốt lõi” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.