Hè đến, hàng loạt các khóa học văn hóa và kỹ năng, trải nghiệm được tổ chức. Các khóa học hè đa dạng về hình thức, phương thức tổ chức nhưng giữa muôn vàn lựa chọn, làm thế nào để tìm được chương trình phù hợp, hiệu quả và bảo đảm an toàn cho con là vấn đề khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.
Hấp dẫn các khóa học hè
Nghỉ hè là thời điểm, nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn tìm kiếm các chương trình, khóa học hè, trại hè cho con trải nghiệm nhằm bổ sung thêm các kỹ năng sống cho trẻ. Đáp ứng nhu cầu này của phụ huynh, những hoạt động hè đã ngày càng trở nên phong phú và chuyên nghiệp. Đó có thể là những trại hè dạy kỹ năng, thể lực; học bơi hay khoá học trực tuyến.
Đa dạng các hình thức học hè cho trẻ. |
Mô hình trại hè hướng dẫn kỹ năng sống đang rất thu hút và hấp dẫn cả học sinh lẫn phụ huynh như: Học kỳ Quân đội, Học thành người có ích, Hòa mình với thiên nhiên, Học làm bác nông dân, Khóa tu mùa hè, Trại hè Công an, Trại hè kỹ năng sinh tồn… Những trại hè này có thể đến từ chính trường các em học, những trường học trải nghiệm hoặc những đơn vị tổ chức chuyên sâu. Năm nay, chương trình Học kỳ Quân đội của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành đoàn Hà Nội) có 3 chương trình dành cho trẻ từ 7 – 17 tuổi, gồm: “Mùa hè Quân đội”, “Trại hè thiếu sinh quân”, “Trại hè Quân đội song ngữ”. Mỗi chương trình được tổ chức thành nhiều khóa học vào các khoảng thời gian và địa điểm khác nhau và có thời lượng từ 7-10 ngày. Học phí cho mỗi chương trình từ 6.200.000 đến 9.950.000 đồng.
Với khoảng thời gian xa gia đình từ 7 đến 12 ngày, các em hoàn toàn sống tự lập và được học tập, vui chơi trong môi trường tập thể, giúp các em thêm tự tin và mạnh dạn. Đặc biệt, các trại hè dạy kỹ năng sinh tồn, kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy, kỹ năng bơi lội và kỹ năng tự vệ… được nhiều phụ huynh quan tâm.
Với gần 70 năm hoạt động thực hiện nhiệm vụ giáo dục ngoài nhà trường, Cung thiếu nhi Hà Nội cũng là một trong những địa chỉ được nhiều phụ huynh lựa chọn gửi con vào học hè. Bà Võ Thị Thanh Diệp, Phó giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết, ngoài các hoạt động giáo dục truyền thống như mọi năm, năm nay, đơn vị này có thêm nhiều sân chơi mới như: Tổ chức sân chơi vui hè an toàn online trên mạng; quản trị cảm xúc cho thiếu nhi. Ngoài ra, Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng đã thí điểm mô hình học bán trú với 9 hoạt động kỹ năng để học sinh học cả ngày, được nhiều phụ huynh quan tâm. Học phí cho mỗi chương trình học khá hợp lý.
Bên cạnh những khóa kỹ năng, trại hè ở trong nước, một số phụ huynh còn cho con tham gia các khóa du học hè tại nước ngoài. Khi tham gia, trẻ sẽ được trải nghiệm nền văn hóa của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, chi phí cho các khóa học này khá cao, có khóa lên tới cả trăm triệu đồng tùy theo thời gian, địa điểm mà gia đình lựa chọn.
Chọn thế nào cho hiệu quả
Xu hướng dã ngoại, trải nghiệm hay trại hè bán trú đang trở thành trào lưu của học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, đã có những tai nạn thương tâm xảy ra. Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng những vụ việc xảy ra cũng là hồi chuông cảnh tỉnh với bậc phụ huynh, đơn vị tổ chức trải nghiệm để trẻ em, học sinh có những trải nghiệm học hè an toàn.
Phụ huynh tham gia học hè cùng con. |
Bày tỏ sự thất vọng khi cho con tham gia một trại hè lính cứu hỏa mà con không học được gì mấy, anh Nguyễn Tuấn Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Chương trình học không như lời quảng cáo. Tôi đăng ký khóa học này qua mạng xã hội với mong muốn trang bị cho con kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên sau khóa học mà con vẫn lóng ngóng trước các tình huống”.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Thìn, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An thừa nhận có tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” ở một số đơn vị tổ chức. Vì lợi nhuận nên có chương trình, chuyên gia chỉ giảng dạy thời gian đầu, sau đó học sinh thực hành và tự chơi những trò không có ý nghĩa, nội dung kém chất lượng, chương trình cắt ghép lung tung, mức độ an toàn thấp.
Tiến sĩ Trần Thị Thìn cho rằng, phụ huynh không nên quá kỳ vọng vào con trẻ sẽ thay đổi sau chục ngày tham các khóa học hè. Thời gian này chỉ đủ hình thành chứ chưa thể duy trì thói quen cho trẻ. Theo đó, khi lựa chọn trại hè cho con, phụ huynh nên đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Tiếp đó là đăng ký các hoạt động phù hợp với sở thích, nguyện vọng của con để trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích và lý thú.
Đồng quan điểm, bà Võ Thị Thanh Diệp cho rằng phụ huynh nên hết sức cân nhắc khi cho con tham gia các khóa học hè bởi quảng cáo “hot” nhưng chưa chắc phù hợp với trẻ. “Quảng cáo thì tất nhiên cái gì cũng hay nên khi lựa chọn chương trình trại hè cho con, phụ huynh không chỉ tham khảo qua nhiều kênh mà phải trực tiếp thử nghiệm, xem có phù hợp với lứa tuổi của con thì mới quyết định đăng ký. Kinh nghiệm của một số phụ huynh là lựa chọn dựa vào thương hiệu, uy tín của các đơn vị tổ chức. Còn với những câu lạc bộ mới thì phụ huynh nên nghiên cứu xem những năm trước họ làm thế nào, độ phủ lớn không. Ngoài ra, phụ huynh cần xem xét kỹ chương trình, đi học nội trú hay trong ngày, xem điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt của con ra sao. Quan trọng là trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên, quản lý học có đảm bảo kiến thức, trình độ kỹ năng hay không. Với trẻ, phụ huynh nên cho học ở những trung tâm, câu lạc bộ gần nhà tránh sự di chuyển nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe các con. Chọn những trung tâm có đầy đủ chức năng nhiệm vụ, họ làm tốt thì cũng nên cho con tham gia”, bà Diệp cho hay.
Còn chị Hoàng Mai Lan (TP Vinh, Nghệ An) thì hè là thời gian để củng cố và học thêm kiến thức văn hóa. Chị Lan chia sẻ: “Trong lớp bạn nào cũng đi học thêm hè, con mình ở nhà chơi thì vào năm học không theo kịp các bạn. Trước sau gì cũng phải cho đi học thêm. Tuy nhiên gia đình vẫn đang đắn đo xem cho con học ở đâu, môn gì cần học và với thời lượng thế nào”.
Theo khuyến cáo của ông Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Giáo dục kỹ năng Angel (TP Hồ Chí Minh) việc dạy thêm, học thêm có nhiều ý nghĩa tích cực, nhưng đồng thời cũng có những biểu hiện tiêu cực, thay vì nên hay không nên thì cần có sự dung hòa và phù hợp. “Việc lo cho con cái là điều cần thiết, nhưng dịp hè phụ huynh bắt ép con học thêm quá nhiều môn, lấy đi thời gian trải nghiệm và vui chơi, giải trí của con thì cần xem xét, vì giáo dục toàn diện. Để trẻ có ngày hè bổ ích đúng nghĩa, cần phải cân bằng giữa vui chơi và học tập, đặt ra những mục tiêu, kế hoạch thực hiện rõ ràng. Hè là thời gian cho trẻ trải nghiệm thêm về những hoạt động phát triển năng khiếu như đàn, ca hát, nhảy, thể thao yêu thích; phát triển các kỹ năng giao tiếp, tự tin trước đám đông, học về các kỹ năng sống; phát triển kỹ năng liên quan đến cảm xúc và tương quan. Có thể cho trẻ về thăm ông bà, trải nghiệm đời sống ở quê hương, đi du lịch khám phá nhiều vùng đất mới, tìm hiểu về văn hoá, con người, món ăn… Những hoạt động không chỉ giúp cho trẻ buông điện thoại, tránh việc chơi game quá mức, mà còn làm cho đời sống của trẻ có thêm nhiều trải nghiệm, niềm vui và ý nghĩa, cảm thấy bản thân có giá trị”.
Bài, ảnh: HÀ KHOA