VN-Index tăng điểm trong sợ hãi
Phiên chứng khoán 3/7 khởi động tháng mới với sự cẩn trọng của nhà đầu tư. Ngay từ đầu phiên, thái độ e dè đã xuất hiện khi dòng tiền chảy vào sàn khá khiêm tốn. Dù vậy, áp lực bán ra không lớn nên VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh.
Công ty chứng khoán VCBS bình luận sau hai phiên giảm điểm, tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn tỏ ra rụt rè và lo ngại về diễn biến điều chỉnh của thị trường trong ngắn hạn dẫn đến việc áp lực bán dần gia tăng và kéo chỉ số chung về sát mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn hiện hữu rõ ràng khi lực cầu vẫn tìm đến các nhóm ngành riêng biệt và nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu hóa chất với mức tăng hơn 2%. Sắc xanh vẫn được duy trì trong phiên chiều nhưng thanh khoản mua chủ động không còn gia tăng mạnh mẽ và có phần hụt hơi khi chỉ số chung chạm mốc 1.125 điểm.
Chấm dứt chuỗi phiên mua ròng, khối ngoại quay trở lại giải ngân xuyên suốt phiên với thanh khoản 134 tỷ, tập trung mua HPG, SSI, VHC.
Kết phiên chứng khoán 3/7, VN Index tăng 5,32 điểm, tương đương với 0,47% lên 1.125,50 điểm; VN30-Index tăng 0,24 điểm, tương đương 0,02% lên 1.123,37 điểm. Toàn sàn ghi nhận có 253 mã tăng giá, 59 mã đứng giá và 169 mã giảm giá.
Các dữ liệu này cho thấy penny và mid-cap là động lực tăng giá chính của thị trường chứng khoán 3/7. Blue-chips không phát huy được vai trò của mình. Dòng tiền chảy vào cổ phiếu vốn hóa lớn rất thấp khi nhóm VN30 chỉ có 156 triệu cổ phiếu, tương đương 3.998 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Đáng chú ý, điểm nhấn của thị trường chứng khoán 3/7 không phải là VN-Index lấy lại được sắc xanh mà chính là thanh khoản sụt giảm mạnh. Chỉ số tăng điểm với dòng tiền thấp cho thấy nhà đầu tư đang đầy sợ hãi. Và đây không phải là tín hiệu tốt của thị trường.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index thậm chí còn đóng cửa phiên chứng khoán 3/7 trong sắc đỏ khi giảm 0,72 điểm, tương đương 0,32% xuống 226,60 điểm. Trong khi đó, HNX30-Index tăng 2,77 điểm, tương đương 0,65% lên 429,54 điểm.
Thanh khoản sàn Hà Nội trong phiên chứng khoán 3/7 cũng lao dốc. Chỉ có gần 80 triệu cổ phiếu, tương đương 1.153 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Chứng khoán châu Á hưng phấn
Các thị trường châu Á-Thái Bình Dương tăng điểm khi các nhà đầu tư đón nhận hàng loạt báo cáo hoạt động sản xuất cho thấy sản lượng trong khu vực đang chậm lại.
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất Caixin của Trung Quốc cho tháng 6 đạt 50,5, cao hơn một chút so với kỳ vọng 50,2 theo thăm dò của Reuters.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 2,2%, dẫn đầu mức tăng trong khu vực và chỉ số Hang Seng Tech tăng gần 4%.
Thị trường Trung Quốc đại lục cũng cao hơn: Shanghai Composite tăng 1,31%, kết thúc ở mức 3.243,98 và Shenzhen Component tăng 0,6%, kết thúc ngày ở mức 11.091,56.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu mức tăng trong khu vực và tăng cao hơn 1,7%, đóng cửa ở mức cao mới trong 33 năm là 33.753,33, với Topix cũng tăng 1,41% và kết thúc ở mức 2.320,81.
Tại Hàn Quốc, Kospi tăng 1,49% và kết thúc ở mức 2.602,47, kéo dài sự phục hồi của nó vào thứ Sáu và Kosdaq tăng 2,42% để kết thúc ở mức 889,29.
Tại Úc, S&P/ASX 200 tăng 0,59%, đóng cửa ở mức 7.246,1 khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Úc vào thứ Ba. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất tiền mặt thêm 25 điểm cơ bản lên 4,35%.
Chỉ số quản lý mua hàng của S&P Global ASEAN Sản xuất cho thấy các điều kiện đối với lĩnh vực sản xuất được cải thiện nhẹ trong tháng 6, đạt mức 51, thấp hơn mức 51,1 của một tháng trước.