Ngoại giao kinh tế phải trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển, cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Việt Nam có lợi ích chiến lược, theo Thủ tướng.
Chiều 3/7, chủ trì hội nghị đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhưng quy mô khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế. Thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam đều bị thu hẹp, nhiều nơi giảm đến 50% nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không khuất phục, không bó tay trước khó khăn, thách thức để triển khai công tác ngoại giao và ngoại giao kinh tế. Khi lạm phát được kiểm soát, giảm dần qua các tháng, Việt Nam ưu tiên tăng trưởng thông qua thúc đẩy ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Về trọng tâm ngoại giao kinh tế từ nay tới cuối năm, Thủ tướng cho rằng cần phát huy tinh thần “ngoại giao cây tre”, tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác nhưng đồng thời phải bảo đảm củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác quan trọng.
Nhắc lại tinh thần “không câu nệ, miễn là có hiệu quả cao nhất” như khi triển khai ngoại giao vaccine trong thời kỳ dịch bệnh, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngoại giao “lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu, đề cao đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương, người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, động lực”.
Thủ tướng nêu ra định hướng lớn là ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo, cùng với đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Các chủ trương phải đi liền với chính sách ưu đãi cụ thể để thúc đẩy các lĩnh vực này.
Theo ông, ngoại giao kinh tế phải trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh, bền vững đất nước. Do đó, cần thúc đẩy cơ chế hợp tác trong lĩnh vực Việt Nam có lợi ích chiến lược như phát triển cơ sở hạ tầng, chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng chỉ đạo tranh thủ mọi cơ hội, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là về đầu tư và xuất khẩu, đồng thời lưu ý cần nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố thị trường hàng hóa xuất khẩu chủ lực, nông sản, rau củ quả đang có tiềm năng phát triển tốt; phát huy hiệu quả các FTA (Hiệp định Thương mại tự do) đã ký kết và mở rộng mạng lưới FTA với các đối tác tiềm năng.
Thủ tướng nêu quan điểm thúc đẩy thu hút FDI chất lượng cao cùng với tranh thủ vốn ODA và vay ưu đãi. Bên cạnh đó, cần thuyết phục nhà đầu tư mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong những lĩnh vực mới nổi.
Về thúc đẩy du lịch với chính sách visa, xuất nhập cảnh vừa được sửa đổi, Thủ tướng yêu cầu “tận dụng tối đa thời cơ du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh mẽ”; thúc đẩy xuất khẩu lao động trong bối cảnh nhiều nước đang thiếu hụt lực lượng lao động sau dịch COVID-19.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, nội dung kinh tế được thúc đẩy với 70 văn kiện được ký kết.
Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài nhiệm kỳ 2023-2026 đã làm việc với 9 bộ, ngành, hơn 100 hiệp hội, doanh nghiệp lớn để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ thúc đẩy hợp tác và tháo gỡ khó khăn.