20 năm miệt mài
Buổi họp mặt 20 năm thành lập bộ môn Đua thuyền Canoeing (2003 – 2023), có đầy đủ những con người đã từng trải qua vị trí bộ môn này mà khoảng thời gian “nếm mật”, có những vị nguyên là lãnh đạo phụ trách TDTT của tỉnh lúc ấy và ngay cả hiện tại. Có những vận động viên một thời đóng góp cả thanh xuân cho những chuyến đi, rong ruổi thi đấu, góp nhặt những thành quả. Giờ họ trưởng thành, có gia đình nhưng đã tề tựu về đây như một gia đình, chỉ để truyền lửa, chỉ để các học trò tường tận một quá trình để bộ môn Canoeing có được Trung tâm huấn luyện riêng biệt như hôm nay.
Ông Phan Đăng Nguyên – HLV đội tuyển Canoeing Bình Thuận, chia sẻ đầy cảm xúc sau 20 dẫn dắt các học trò: Ngay từ khi bắt đầu, tôi xác định mục tiêu phát triển môn Canoeing bền vững, phấn đấu là môn thể thao mũi nhọn của tỉnh. Thầy trò chúng tôi đã động viên nhau, sát cánh, miệt mài tập luyện vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất như: thuyền, chèo và địa điểm tập luyện, phải di chuyển xa nhà tập luyện những nơi có điều kiện như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và các hồ trên địa bàn tỉnh. Nơi nào có thể tập được, là thầy trò dẫn dắt đến, làm quen địa hình, vắt cạn mồ hôi trên những buổi tập.
Có những chặng đường khiến bất kỳ ai cũng phải nhớ, HLV Phan Đăng Nguyên cũng vậy; Tháng 4/2003 chàng sinh viên mới ra trường về nhận nhiệm vụ tại Sở đã cùng 6 vận động viên khăn gói ra Hà Nội để học hỏi và tập luyện. Đua thuyền Canoeing khi đó là môn thể thao mới du nhập, chưa có gì ngoài con số 0 từ cơ sở vật chất đến ăn ở sinh hoạt, nhưng lại mang tinh thần chiến đấu cho SEA Games 22. Sau 6 tháng, từ Hà Nội về với của “hồi môn” là kiến thức và 4 chiếc Canoe/Kayak (2 đôi, 2 đơn), với sự tin tưởng và gửi gắm của các thầy để phát triển bộ môn. Tháng 11/2003, Sở thành lập đội tuyển Canoeing với 6 vận động viên và 1 HLV. Nhưng lòng đam mê và khát khao đã thôi thúc thầy và trò, từ 6 vận động viên ở 4 năm đầu (2003 – 2006), thì giai đoạn 4 năm sau số vận động viên đã lên đến con số 40. Khi đó, Bình Thuận lúc nào cũng có ít nhất 14 – 18 vận động viên thi đấu quốc gia ở cả 2 loại thuyền Canoe và Kayak. Chưa hết, sau 20 năm qua, số lượng vận động viên đã trên con số 100, các thế hệ học trò giờ tiếp tục theo đuổi đam mê và với thầy mình để trở thành HLV như Phạm Khánh Nhật, Nguyễn Thành Quang, Trần Thanh Tuấn…
Niềm tin vào sức trẻ
Quãng thời gian 20 năm trôi nhanh, nó giống như một cơn gió lành. “Nếu như không có sự tin tưởng của lãnh đạo, động viên giúp đỡ tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt chú Đỗ Văn Ba – nguyên giám đốc Sở TDTT, người đã tin tưởng và đặt viên gạch đầu tiên để phát triển bộ môn đua thuyền, trong đó có môn Canoeing, có lẽ đã không có buổi họp mặt 20 năm ”- HLV Phan Đăng Nguyên chia sẻ.
20 năm qua, đội đã tham dự các giải quốc gia, các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc với mấy trăm bộ huy chương. Trong đó, 13 huy chương vàng tại 5 kỳ đại hội (2006, 2010, 2014, 2018 và 2022). Đặc biệt, Đại hội TDTT toàn quốc 2010, đội đã giành 5 huy chương vàng xếp thứ nhì toàn đoàn thời điểm đó. Đóng góp cho đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia 15 vận động viên, nổi bật nhất là Nguyễn Thành Quang – vận động viên số 1 Việt Nam ở nội dung Kayak.
Có mặt tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Hải Đường – Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Tổng cục Thể dục thể thao Việt Nam, Phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký Liên đoàn đua thuyền Viêt Nam và hiện nay là Phó chủ tịch Liên đoàn đua thuyền châu Á. Ông chia sẻ: “Tôi đến giờ vẫn không thể quên, lần tôi đưa đoàn chuyên gia Quốc tế đến Bình Thuận để tìm hiểu về bộ môn đua thuyền; cả tôi và chuyên gia đều ngỡ ngàng với cơ sở vật chất lúc ấy. Vỏn vẹn 4 chiếc thuyền được chắp vá lại, từ thuyền cũ, được che chắn bởi lùm cây trên sông, cái ý chí đó, nỗ lực đó giờ được đền đáp xứng đáng”. Vì thương nên trong quá trình công tác, Vụ trưởng Nguyễn Hải Đường đã giúp đỡ cho bộ môn Canoeing Bình Thuận rất nhiều nó phản ánh thực tế qua thành tích 21 huy chương quốc tế mà đội đã đạt được.
Dù 20 năm qua, đóng góp và nỗ lực cho bộ môn đua thuyền nhưng HLV Phan Đăng Nguyên là người kiệm lời khi nói về đội, về thành quả của quá trình phấn đấu. Mãi đến hôm nay, mới bộc bạch: Mình xác định phục vụ cho quê hương, cho ngành TDTT quan trọng và trách nhiệm. Thành tích đạt được là sự nỗ lực của cả một tập thể BHL và VĐV. Tôi nhớ, nhiều lần toàn đội Canoeing đã bật khóc rất nhiều vì không hoàn thành nhiệm vụ và cũng đã khóc rất nhiều vì vui sướng khi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc tại Đại hội TDTT toàn quốc”.
“Hôm nay, tôi nhìn thấy được sự trưởng thành của các em, nhìn thấy sự nỗ lực trong suốt một quãng thời gian rất dài. Vui mừng và xúc động vì điều đó, vì đã lựa chọn và đặt niềm tin đúng người. Khi đó, Nguyên có nhiều cơ hội để có thể vươn xa hơn nhưng đã chấp nhận từ bỏ, ở lại quê hương để gắn bó và đào tạo ra nhiều thế hệ vận động viên giỏi” – ông Đỗ Văn Ba – nguyên giám đốc Sở TDTT chia sẻ.
Chính vì sự nỗ lực đó, mà hôm nay bộ môn Canoeing đã có được khu nhà tập mới như tiếp thêm động lực cho toàn đội, từ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Với hy vọng đó, nhất là sau giải Đua thuyền truyền thống Vô địch quốc gia, với sự đóng góp của bộ môn Canoeing đã góp phần tạo nên sự thành công, mang lại niềm tin mới mẻ về tương lai khi Bàu Trắng có thể sẽ trở thành Trung tâm thi đấu quốc gia và quốc tế về bộ môn đua thuyền.
Trong quá trình đào tạo và phát triển bộ môn đã tham gia tập luyện và thi đấu một chặng đường 20 năm. Thành tích mà bộ môn đạt 439 huy chương các loại.
Nổi bật:
– 1 HCĐ giải VĐ châu Á năm 2009
– 1 HCV, 4 HCB tại các kỳ Sea Games (2007, 2011, 2013 và 2023)
– 11 HCV tại các giải VĐ Đông Nam Á (2007, 2008, 2009, 2010)
– 13 HCV qua 5 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc (2006, 2010, 2014, 2018, 2022) và trước đó năm 2002 cũng đạt 2 HCV. Tổng qua các kỳ ĐH là 15 HCV.