Hoa văn trên mỗi tấm dèng của đồng bào vùng cao A Lưới đều có ý nghĩa văn hóa tinh thần, là tâm tư tình cảm của người làm ra chúng. Suốt thời gian dệt dèng, khung và sợi được cố định trên chân, lưng, bụng của người phụ nữ. Giá mỗi tấm dèng dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng tùy hoa văn và loại cườm. Nhìn những hoa văn bị cắt bỏ đi sau khi may trang phục, chị Arel Thùy Linh tiếc rẻ xin về.
Ban đầu, cô giáo người Pa Cô ấy làm thử vài mẫu kẹp, cột tóc từ những mảnh vải dèng thừa tận dụng. Sau khi đăng trên facebook cá nhân, nhiều khách hỏi mua và đặt hàng, chị Linh tự tin làm thêm nhiều sản phẩm khác. Khiếu thẩm mỹ tốt cộng với sự am hiểu văn hóa đồng bào các dân tộc theo truyền thống gia đình, cô giáo trẻ sáng tạo thêm nhiều mẫu mã trang sức từ dèng phong phú đa dạng hơn.
Vải dèng thừa xin về cùng máy bắn keo, kéo, kềm, thép… hàng ngàn chiếc cột tóc, kẹp, hoa tai có hoa văn từ thổ cẩm dèng ra đời. Cô gái Pa Cô khéo tay chia sẻ: “Dựa trên hoa văn của vải mình sẽ lựa chọn làm món đồ nào cho hợp lý. Phụ kiện đeo càng nhỏ càng khó thực hiện. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và khéo tay nên phần lớn vợ chồng em thực hiện những lúc yên tĩnh, rảnh rỗi”.
Năm 2019, chị Arel Thùy Linh làm hồ sơ và sản phẩm tham dự cuộc thi sản phẩm hàng lưu niệm do UBND huyện A Lưới tổ chức. Tuy không đạt giải cao song sự động viên khích lệ từ nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã tiếp cho đôi vợ chồng Linh – Giáp thêm động lực phát triển các phụ kiện làm đẹp từ vải dèng.
Mỗi dịp có lễ hội, chợ phiên, giao lưu văn hóa, đôi vợ chồng miệt mài đóng khuy, đơm nút làm tằm, cài, cột, kẹp, vòng tay… trong căn nhà 48 Bắc Sơn, thị trấn A Lưới. Năm 2022, tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam – Lào lần thứ III tại tỉnh Điện Biên, Pe Prung Giáp tham gia với tư cách là nghệ sĩ biểu diễn. Với mong muốn quảng bá sản phẩm thủ công từ quê hương mình, Giáp mang theo 1 va li cột, kẹp, cài… Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, anh bán hết sạch các món hàng kèm theo vài đơn hàng mới.
Anh Pe Prung Giáp rất vui vì được giới thiệu văn hóa của đồng bào mình đến với mọi người. Đồng thời qua đó cũng nhìn nhận thẩm mỹ của giới trẻ đối với một số sản phẩm thủ công hiện nay. “Điều này rất quan trọng đối với chúng mình trong quá trình tìm hướng đi phát triển cho mặt hàng này”, anh Giáp nói.
Mỗi món hàng phụ kiện thời trang chỉ vài chục nghìn đồng tùy kích cỡ và mẫu mã. Các sản phẩm này đang được thị trường rất ưa chuộng, đặc biệt là đáp ứng thị hiếu khách du lịch trong, ngoài tỉnh. Sản phẩm này không chỉ được trưng bày, chào bán tại một số homestay tại A Lưới mà còn có mặt ở một số điểm du lịch tại Quảng Nam. Bạn Hoàng Thi cùng gia đình ở Hà Nội đến với chợ phiên A Lưới hào hứng mua rất nhiều vòng tay, kẹp tóc, hoa tai về làm quà. Thi cho hay: “Những món quà này mang đậm bản sắc văn hóa A Lưới và giá cả rất hợp lý, thuận tiện cho việc vận chuyển, phù hợp với thị hiếu hiện nay”.
Nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho rằng, đây là một sự sáng tạo của người trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm từ dèng truyền thống. Qua đó khẳng định sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là hướng đi đúng đắn trong phát triển hàng lưu niệm phục vụ du lịch tại A Lưới.